Phát biểu nói trên của Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton với tờ The Globe and Mail chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo trên hôm 21-1, Đại sứ MacNaughton cho biết Mỹ đã nói với Canada rằng họ sẽ yêu cầu dẫn độ của Mạnh, nhưng ông không nói khi nào yêu cầu sẽ được đưa ra.
Hạn chót của việc đưa ra yêu cầu trên bằng văn bản là ngày 30-1, tức 60 ngày sau khi Mạnh bị cảnh sát Canada bắt giữ vào ngày 1-12 tại thành phố Vancouver.
Bà Mạnh, ái nữ của người sáng lập Huawei, tỷ phú Nhậm Chính Phi, đã bị bắt theo yêu cầu của Washington về các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Người phụ nữ này đã được cho bảo lãnh tại ngoại hồi tháng trước và sẽ ra tòa tại Vancouver vào ngày 6-2 tới.
Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton. Ảnh: NATIONAL OBSERVER
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã trở nên lạnh nhạt sau vụ bắt bà Mạn. Kèm theo đó là việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada và tuyên án tử hình một người đàn ông Canada trước đó bị kết tội buôn lậu ma túy.
Hôm 22-1, tờ South China Morning Post 116 học giả và 27 cựu viên chức ngoại giao từ 19 nước đã cùng ký vào một bức thư kêu gọi trả tự do cho cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, bị giam giữ tại Trung Quốc kể từ ngày 10-12-2018 với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hôm 22-1 cho biết họ không có bình luận nào về thủ tục pháp lý đang diễn ra, theo hãng tin Reuters. Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ thì nói: “Chúng tôi sẽ bình luận thông qua hồ sơ của chúng tôi”.
Bộ Tư pháp Canada đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc thông thường.
Canada là một trong hơn 100 quốc gia mà Mỹ có các hiệp ước dẫn độ. Sau khi nhận được yêu cầu chính thức, tòa án Canada phải xác định trong vòng 30 ngày xem liệu có đủ bằng chứng hỗ trợ việc dẫn độ hay không và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada phải đưa ra lệnh chính thức.