EU nên làm gì với ông Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang cản trở an ninh, quyền lợi của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). EU cần phải có phản ứng giảm thiểu các tác động có hại từ các thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ mà ông Trump đã và đang thực hiện.

Đây là chủ đề bài viết của nhà nghiên cứu Dina Esfandiary tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và An ninh tại Phòng Nghiên cứu chiến tranh thuộc đại học King (Anh), và Tiến sĩ Ariane Tabatabai tại đại học Georgetown (Mỹ) trên tạp chí National Interest mới đây.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ưu tiên quyền lợi Mỹ, nỗ lực chấm dứt tình trạng các nước lợi dụng Mỹ, có nhiều phát ngôn gây bất an cho các đồng minh lâu dài của Mỹ, đưa Iran vào “vòng chú ý”, ra sắc lệnh hành pháp cấm dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ….

Điều làm các lãnh đạo châu Âu lo lắng nhất hiện nay là thái độ chỉ trích, lên án của ông Trump với liên minh NATO. Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 23-2, ông Trump một lần nữa yêu cầu các nước NATO phải chi 2% GDP cho quốc phòng, chấm dứt lệ thuộc tài chính vào Mỹ.

Việc ông Trump ra sắc lệnh cấm dân 7 nước Hồi giáo (Iran, Iraq, Syria, Sudan, Somalia, Yemen) vào Mỹ đe dọa an ninh châu Âu, vì gây cản trở cuộc chiến chống khủng bố. Mà bọn khủng bố thời gian gần đây lại nhắm mục tiêu đến châu Âu.

Hiện sắc lệnh đã tạm ngưng thực hiện nhưng tác hại của nó thì đã thành hình, đặc biệt khi người Hồi giáo nghĩ đó là một sắc lệnh đối đầu với thế giới Hồi giáo. Trong khi Mỹ và EU nỗ lực chống IS nói riêng và khủng bố nói chung thì lệnh cấm này có thể xem là một món quà cho bọn khủng bố. Lâu nay IS vẫn chưa thể tiêm nhiễm được vào thế giới Hồi giáo rằng phương Tây là một thế lực đối đầu người Hồi giáo, lệnh cấm của ông Trump đã làm được điều này. Lệnh cấm này còn có thể làm người di cư Hồi giáo trở nên phẫn uất và cực đoan, làm lung lay quyết tâm bài trừ Hồi giáo cực đoan của bộ phận người Hồi giáo ôn hòa.

EU nên làm gì với ông Trump Ảnh: US ARMY

EU nên làm gì với ông Trump Ảnh: US ARMY

Iran – một trong 7 nước bị lệnh cấm ảnh hưởng cũng gặp bất lợi. Các nhà đầu tư và kinh doanh muốn vào làm ăn ở Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký đã rất hoang mang. Nếu Iran không được lợi từ thỏa thuận thì rất ít khả năng nước này tuân thủ bổn phận của mình trong thỏa thuận.

Thêm nữa, thỏa thuận hạt nhân đang có nguy cơ bị hủy bỏ khi ông Trump đe dọa sẽ thương lượng lại thỏa thuận. Với EU, thỏa thuận bị hủy bỏ đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một lo lắng lớn: chương trình hạt nhân Iran.

Có thể nói đối đầu Iran là một trong những nội dung chính trong chính sách Trung Đông của ông Trump. Sự đối đầu của chính phủ Trump với Iran ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống IS ở Iraq. Mỹ, EU, và Iran đều có quyền lợi chồng chéo nhau ở Iraq. Iran là một bên liên quan lớn và đã đổ rất nhiều nguồn lực vào cuộc chiến này. Dưới thời Obama, Mỹ và Iran phần nào đã có sự phối hợp với nhau trong cuộc chiến này, và đạt được một số thành công. Tuy nhiên với tình hình đối đầu gay gắt giữa Iran và chính phủ Trump thì việc đối thoại và hợp tác trong chống IS chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.

Việc ông Trump thay đổi mạnh các chính sách cả đối nội lẫn đối ngoại, bất chấp trách nhiệm truyền thống của các quan hệ quốc tế đưa các nước EU vào thế khó: ra mặt chống đối ông Trump cùng các chính sách của Trump và nhận lấy nguy cơ xấu đi quan hệ với Mỹ, hay chịu đựng để ông Trump cản trở quyền lợi của mình.

Câu trả lời, EU nên đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu EU không cứng rắn bảo vệ các giá trị và quyền lợi của mình, ông Trump nhiều khả năng sẽ còn đi xa hơn nữa, và châu Âu sẽ càng gặp khó hơn. Vậy EU nên làm gì với ông Trump?

Trước tiên, EU cần thể hiện cho Mỹ thấy mình là một đối tác chủ chốt, một phần không thể thiếu trong cấu trúc an ninh quốc gia Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu.

Thứ hai, EU cần tiếp tục lên án lệnh cấm dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump. Bên cạnh đó cần hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào Mỹ, có thể bằng cách giống như Pháp vừa nói sẽ tăng gấp đôi cấp thị thực cho dân Iran vào Pháp.

Về thỏa thuận hạt nhân với Iran, EU cần tiếp tục bảo vệ và thực hiện nghiêm túc. Vì dĩ nhiên Iran một khi tuân thủ bổn phận của mình trong thỏa thuận thì cũng yêu cầu Mỹ và EU tôn trọng phần bổn phận của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong những thời điểm nhạy cảm sắp tới khi dự kiến vào tháng nữa Iran sẽ thử tên lửa đạn đạo, hay chính phủ Trump có động thái gia tăng thêm căng thẳng với Iran.

Một bước nữa, EU cần đầu tư một quan hệ tốt với Iran, nên gắn kết với Iran nhiều mặt. EU cần bảo đảm Iran được lợi từ các thỏa thuận kinh tế và thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.