Sở dĩ gọi là vần con gà vì phía ngoài là hình một chú gà trống đang vươn cánh gáy mà hậu cảnh là ánh bình minh đang ló dạng. Quyển sách tập đọc và viết rất mỏng. Mỗi trang sách dành để dạy một chữ cái to như… con gà. Tập viết, tập đọc đến chữ nào thường được học ghép vần và khi ghép câu thường có câu tục ngữ đi kèm dưới chân trang của bài học. Tôi nhớ khi học đến vần a, a sắc á, lờ á lá thì chúng tôi được dạy đọc câu Lá lành đùm lá rách. Lên lớp 5, từ trong những bài tập đọc chúng tôi được dạy học thuộc lòng những câu “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Cô giảng những câu này trên bảng, chúng tôi chỉ học thuộc lòng và hiểu rằng đây là những điều hay, điều tốt đẹp phải thực hiện.
Cuốn phim dĩ vãng quay về ký ức. Tôi nhớ như in trong một buổi học ở lớp nhứt, cô giáo của chúng tôi bất ngờ hỏi: Các em có biết nhà trò Long bị cháy và các em đã giúp đỡ trò ấy trong cơn hoạn nạn. Em Long không có bài học vì sách vở bị cháy nhưng em Hải đã giúp đỡ em Long chép bài. Như vậy, trò Hải có lòng bác ái, giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn… Đâu, các em thử kể cho cô nghe những lòng bác ái mà các em đã biết.
- Dạ, khi thằng Lượm mất con chó, thằng Cảnh hù giúp thằng Lượm tìm con chó, thằng Cảnh hù có lòng bác ái với con chó. - thằng Hiệp mập xung phong trả lời.
Thằng Hải cãi:
- Cái đó là lòng yêu thương loài vật và bác ái với thằng Lượm.
Cô giáo tiếp:
- Nãy giờ các em kể chuyện yêu thương người quen, bạn trong lớp không. Có ai giúp đỡ người ngoài không?
Thằng Út đẹt giơ tay:
- Dạ, em cô. Ngày nào em cũng cho ông bán cà lem trước cửa trường một đồng hết cô.
- Nó xạo đó cô. Nó đưa ổng một đồng nhưng ổng đưa lại nó cục cà lem đậu xanh, sữa cô.
- Vậy là mua bán chứ không phải bác ái.
- Em biết thằng Són ưa ăn cắp thịt ế của ba nó cho mấy người nghèo trong chợ Bình Tây cô. Thằng Hoàng thường dẫn bà già đui đi qua đường cô…
- Em nhịn ăn đóng tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, cô…
Cô giáo hắng giọng:
- Qua câu chuyện các em kể thì cô có thể tóm lại bài học như thế này, không cần chép, thử các em có nhớ không nhé: “Lòng bác ái là tình thương yêu mọi người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc. Tình thương yêu này còn bao trùm cả loài vật - giống như thương con chó của trò Lượm. Nhờ lòng bác ái, những nỗi đau thương của con người được xoa dịu dần dần”.
Sau đó cô giáo bắt chúng tôi đọc đoạn văn nói về lòng bác ái trong quyển sách Em tập tính tốtcho nhuần nhuyễn để cô gọi lên trả bài. Chương trình Đức dục lớp nhứt có tất cả là 55 bài thì trong đó có bốn bài dạy về Lòng tương trợ, Hy sinh giúp đỡ đồng bào, Nhân từ và bài cuối cùng là Bác ái. cuối mỗi bài là hai câu ca dao dễ thuộc như: “Ở đời hoạn nạn giúp nhau, Giúp người bước trước, người sau giúp mình”. “Thấy người hoạn nạn bên đường/ Dù không đồng loại cũng thương mới là”. Sách giáo khoa không dạy chúng tôi mục đích của lòng từ thiện, bác ái, thương người là gì. Tất cả lòng bác ái, thương người là cứ tự nhiên như người… Sài Gòn.
Khi vào trung học, mỗi khi trời mưa bão, hoành hành lụt lội làm khốn khổ dân miền Trung, những thằng học sinh Sài Gòn tự nguyện ôm thùng đi lạc quyên khắp chốn để giúp đồng bào của mình sau khi đã đóng góp tại trường. Chúng tôi chẳng tự hỏi “tại sao mình phải làm như vậy? Có ai bắt mình đâu?” mà cứ hồn nhiên đi cứu trợ. Và cũng chẳng thèm tự hỏi việc cứu trợ như vậy có làm mất bản sắc văn hóa không.
Sáng 8-6, tôi vô cùng vui khi đọc báoPháp Luật TP.HCMthấy Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo ngành giáo dục: “Văn hóa Sài Gòn có đặc sắc là nghĩa khí, hào sảng, dấn thân nên giáo dục TP.HCM phải duy trì để nét văn hóa đó không bị mai một”. Phải như vậy thôi, sự nghĩa khí và hào sảng bắt đầu từ vần con gà dạy trẻ con biết “lá lành đùm lá rách” từ lớp vỡ lòng. Con gà gáy đánh thức bình minh như chữ nghĩa đánh thức, nuôi dưỡng sự hiểu biết và lương tâm của bầy trẻ từ khi còn để chỏm.
Chỉ cần bắt đầu từ a sắc á, lờ a la sắc lá… thôi, nhẹ như hơi thở, có gì lớn lao đâu!