ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị “Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng. Để làm tốt việc này cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức tiến hành phản biện như thế nào cho phù hợp và đảm bảo tính khoa học, xây dựng và thực tiễn”.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đồng tình với đề nghị này, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng Hiến pháp 2013 đã xác định một trong những chức năng của MTTQ là giám sát và phản biện xã hội, đồng thời cũng quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. “Hai nội dung này là pháp điển hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước và phù hợp với một số quyết định của Bộ Chính trị về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội…” - ĐB Thiện nói.
Để hoạt động giám sát của Mặt trận có hiệu quả và tiếng nói của Mặt trận có trọng lượng, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung hai quyền trong giám sát của MTTQ. Thứ nhất là bổ sung thẩm quyền kiến nghị về tổ chức và nhân sự của các đối tượng được giám sát, qua giám sát của Mặt trận… Thứ hai bổ sung thẩm quyền kiến nghị đối với Quốc hội hoặc HĐND giám sát về một vấn đề nào đó.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát phản biện xã hội của MTTQ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng dự luật nên bổ sung thêm hai nguyên tắc. Một là tôn trọng sự khác biệt về quan điểm; không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện. “Đã từng có chuyện đấu tranh chống tham nhũng sau đó có chuyện bị kỳ thị và đối xử phân biệt. Vì vậy nên có nguyên tắc như vậy để động viên được các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giám sát, phản biện xã hội. Còn không người ta chỉ nói bên ngoài, thậm chí người ta không nói gì cả” - ĐB Nghĩa cho hay. Nguyên tắc thứ hai, theo ông Nghĩa, là không được lợi dụng giám sát, phản biện để có những hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại mối đoàn kết toàn dân, gây bạo loạn nhằm chống lại Nhà nước nhằm lật đổ chính quyền. “Hai nguyên tắc hoạt động này của Mặt trận sẽ tạo ra sự cân bằng và làm cho luật khi ban hành sẽ có một tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống” - ĐB Nghĩa nói.
T.HẰNG