Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thẳng thắn cho rằng chi phí “bôi trơn”, “quà cáp” là chuyện đã trở thành bình thường trong quá trình triển khai dự án. Tại công ty ông, con số này là 1% tổng mức đầu tư dự án nhưng ở những doanh nghiệp khác, nó có thể cao hơn hàng chục lần. Vào thời điểm thị trường địa ốc sôi động, các dự án căn hộ “cứ muốn thêm mỗi tầng là một, hai trăm ngàn đô”. Theo vị này, hai khâu phải chung chi nhiều nhất là quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Có nghe nhưng thiếu cụ thể nên khó xử lý
Về việc “bôi trơn” để phê duyệt các chỉ tiêu như diện tích công cộng, mật độ cây xanh, mật độ xây dựng trong các dự án mà doanh nghiệp có ý kiến cho rằng phải “bôi trơn”, một lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP.HCM nói: “Đúng là những chỉ tiêu QHKT của dự án ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của một dự án. Đúng là trong quá khứ có thời kỳ các chỉ tiêu này có thể được “mua” để tăng thêm và cũng từng bị khiếu nại, tố cáo và thanh tra”. Vị này nói tiếp: “Về phía Sở QHKT, bản thân tôi chưa tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp nào về những khoản phí “bôi trơn” liên quan đến khâu cung cấp phê duyệt các chỉ tiêu QHKT tại Sở. Tuy nhiên, phía UBND TP thì có nhận được và truyền đạt, chỉ đạo Sở làm rõ. Đáng tiếc là những thông tin này cũng chỉ mang tính chung chung, không có địa chỉ cụ thể cán bộ nào, dự án nào nên chưa thể xử lý được!”.
Thủ tục thông thoáng và minh bạch sẽ hạn chế việc “bôi trơn” trong các dự án nhà ở. Ảnh: HTD
Thủ tục thông thoáng và minh bạch sẽ hạn chế tiêu cực
Ông Quách Hồng Tuyến cho biết chính bản thân Sở Xây dựng cũng mong muốn quy trình giải quyết được công khai, minh bạch nên đã đề ra nhiều biện pháp để phòng ngừa tiêu cực. Tuy nhiên, theo ông: “Có những chính sách không phải do Sở đặt ra mà là những vướng mắc từ luật và cơ chế. Do đó, cần hiểu rằng không phải do cơ quan cấp phép cố tình làm khó để đòi hỏi chung chi, quà cáp. Bên cạnh đó cũng có trường hợp “cò”, môi giới nhận tiền của doanh nghiệp nói rằng để chung chi việc này, việc kia khiến cơ quan nhà nước mang tiếng không đúng. Bất kỳ vấn đề gì, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với Sở để được hướng dẫn.
Còn vị lãnh đạo Sở QHKT TP.HCM mà PV tiếp xúc cũng nhận định: “Pháp luật ngày càng kín kẽ và quy hoạch cũng được phủ kín, chi tiết hơn. Việc cho phép hoặc điều chỉnh chỉ tiêu không phải là tùy tiện, thích thì cho nhiều không thích thì không cho mà có nguyên tắc. Nhiều vụ việc còn phải đưa ra hội đồng hoặc phải xin ý kiến của TP nếu dự án quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đô thị”.
Vậy vì sao lĩnh vực này hay bị “mang tiếng”? Vị lãnh đạo Sở QHKT TP.HCM cho rằng dư luận cần bình tĩnh và khách quan, bởi Sở không thể nào làm vừa ý được hết mọi người, mọi mong muốn. Và một khi không hài lòng thì sẽ có phản ánh.
CẨM TÚ
Ông NGUYỄN CÔNG HỒNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Khi có dư luận, phải kiểm tra ngay Khi vụ việc xảy ra, gây dư luận bức xúc thì trước hết các cơ quan chức năng phải vào làm việc trước đã. Cơ quan nhà nước phải có cơ chế kiểm tra, làm việc hết chức năng nhiệm vụ của mình một cách khách quan, vô tư. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là phải đi xác minh, làm rõ các thông tin ấy để trả lời cho dư luận biết là những thông tin đó có căn cứ hay là không. Nhưng muốn ngăn chặn những chuyện “bôi trơn” đó thì tôi nghĩ có rất nhiều giải pháp. Giải pháp hữu hiệu nhất, được nhân dân ủng hộ nhất trước tiên là công khai, minh bạch để người dân hiểu và cùng tham gia vào việc giám sát. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng phải được hoàn thiện, phải rất rõ ràng, cụ thể, không tạo lỗ hổng để người ta lợi dụng làm những việc trái pháp luật. LÊ PHI ghi |