1 doanh nghiệp dệt may lớn dè dặt tuyển công nhân

(PLO)- Thiếu đơn hàng khiến doanh nghiệp dệt may nổi tiếng một thời suy giảm mạnh về doanh thu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lo lắng trước tình hình kinh doanh của Công ty Garmex Sài Gòn (GMC), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây yêu cầu ban lãnh đạo GMC báo cáo tình hình hoạt động và phương hướng kinh doanh sắp tới.

Trong giải trình gửi HOSE vào ngày 1-12 vừa qua, Ban lãnh đạo GMC cho biết tình hình kinh doanh không thuận lợi nên nếu tiếp tục giữ sản xuất các nhà máy đối với ngành may, công ty sẽ lỗ. Do đó, công ty buộc phải giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

"Hiện công ty chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Khi thị trường thuận lợi vừa đủ, công ty sẽ khôi phục đầu tư vào ngành may. Công ty vẫn đang tiết kiệm chi phí tối đa, tối ưu nguồn lực và đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro" - báo cáo GMC cho biết.

dệt may 1.jpg
Các công ty dệt may vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh. Ảnh minh họa

Năm 2022, GMC lỗ đến 84 tỉ đồng, khoản lỗ đầu tiên sau 18 năm kể từ năm 2004. Bước sang năm 2023, công ty này cũng đã lỗ liên tiếp ba quý.

GMC trước đây là doanh nghiệp dệt may của Nhà nước với lịch sử hoạt động từ năm 1976 và chuyển sang cổ phần vào năm 2004. Doanh nghiệp này luôn nhận được đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài.

Thực tế, các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Vietstock, 29 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn chứng khoán công bố báo cáo kinh doanh quý III-2023 thì có ba doanh nghiệp lãi, 18 doanh nghiệp giảm lãi, bốn doanh nghiệp lỗ và bốn doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi.

Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã xin phép cổ đông để điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh của năm 2023. Theo đó, doanh thu sẽ phải giảm đi 1.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận giảm 240 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm