1. Suy nghĩ một chiều
Trường hợp thứ nhất, có thể chỉ mới sau một tuần ăn kiêng, bạn đã bước lên cân và không hề thấy mình giảm cân chút nào, bạn nghĩ vậy là mình không có khả năng giảm cân!
Trường hợp thứ hai là bạn quá hà khắc với chế độ ăn kiêng, nghiêm cấm bản thân một cách ngặt nghèo khiến chính mình nổi nóng qua mỗi lần thất bại. Kết quả là dần dần bạn sẽ cho rằng ăn kiêng giảm cân là bất khả thi và tự bỏ cuộc.
2. Hoàn hảo quá mức
Những người đòi hỏi mọi thứ quá hoàn hảo thường thấy mỗi sai lầm dường như là một sự thất bại. Do đó, chỉ cần một sai lầm nhỏ thôi cũng khiến họ cảm thấy cả quá trình nỗ lực của bản thân sắp bị "thổi bay" và cho rằng mình hoàn toàn không có khả năng hoàn thiện bản thân.
3. Để ý quá mức
Bạn đã giảm được vài cân, mọi người đều nhận thấy điều đó và khen ngợi dáng bạn lúc này thật tuyệt. Nhưng người thân theo thói quen lại cho rằng ăn nhiều đồng nghĩa với sức khỏe tốt lại tỏ ra lo lắng cho bạn, nghĩ rằng bạn trông xấu đi khi giảm cân. Chỉ cần một lời chê đã khiến bạn quên cả 10 lời khen trước đó, bạn dễ dàng ăn rất nhiều mà không hề biết. Bạn nghi ngờ bản thân và khi có điều kiện thích hợp sẽ trở về con đường cũ.
4. Suy nghĩ tiêu cực
Khi mọi người khen ngợi, bạn nghĩ rằng họ chỉ cố tỏ ra tử tế. Những người quá cân có thể tô vẽ hình ảnh bản thân theo chiều hướng tiêu cực và từ đó có tâm lý nghi ngờ những lời khen ngợi, cho rằng mọi người tìm cách chế giễu nỗ lực của mình.
5. Tự nghi ngờ
Khi có người nhìn bạn, bạn ngay lập tức nghĩ rằng mình trông rất "lạ thường" dù chẳng có căn cứ gì. Lý do là vì đang bắt đầu quá trình thay đổi bản thân, nên bạn trở nên nhạy cảm với cái nhìn của người khác. Tâm lý tự ti dễ khiến bạn quay trở lại về con người bạn trước đó, thậm chí tự phỏng đoán rằng mình sẽ dễ dàng thất bại.
6. Đánh giá sai lầm
Thổi phồng quá mức những sai lầm và coi nhẹ thành quả mình đạt được là một dạng tâm lý khác của người dễ thất bại. Họ cho rằng mỗi sai lầm đều bắt nguồn từ "bản chất không thể thay đổi" của mình, thành công đều là do may mắn. Do đó, họ lại càng khó thành công.
7. Sống theo cảm xúc
Bạn dùng cảm xúc làm lý do cho mọi hành động. Bạn cảm thấy mình không thể giảm cân và bạn bỏ cuộc. Bạn cảm thấy mình khó có thể tập thể dục lâu dài, từ đó bạn không tập nữa. Nhưng tất cả cảm xúc này đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi trong bạn chứ không phải là sự thật.
8. Suy nghĩ "không thể"
Bạn cho rằng mình nhất định không thể ăn thứ này, không thể làm điều kia và từ đó bạn ở trong tình trạng khổ sở liên tục. Thay vì nghĩ như vậy, bạn hãy có niềm tin và quyết tâm nhiều hơn.
9. Tự "dán nhãn" bản thân
Thay vì coi một sai lầm nhỏ nào đó chỉ là sai lầm chẳng may gặp phải, bạn lại tự "dán nhãn" chính mình là "kẻ thất bại" và không thể nào thành công.
10. Tự đổ lỗi
Ý nghĩ này thường có ở những người luôn có ý muốn làm hài lòng người khác hoặc luôn có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Ăn kiêng chỉ là việc cá nhân của bạn, những sai lầm hoặc ảnh hưởng nếu có đều do bạn chịu trách nhiệm, không phải là việc của người khác.