Chính xác mà nói, các quyết định, hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump về đối ngoại chỉ thực sự diễn ra từ tháng thứ ba sau khi ông vào Nhà Trắng. Chỉ trong thời gian ngắn nhưng ông Trump đã làm nước Mỹ và cả thế giới bất ngờ với các quyết định, hành động không chỉ quyết liệt, mạnh bạo mà còn đi ngược lại các chủ trương lúc tranh cử của mình.
Quá mạnh bạo
Ngày 4-4, xảy ra vụ đánh bom hóa học ở Syria, khu vực phe nổi dậy kiểm soát. Cho rằng chính phủ Syria đã không phá hủy vũ khí hóa học như thỏa thuận và là thủ phạm vụ đánh bom này, ông Trump cho nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.
Một tuần sau, Mỹ bất ngờ ném một quả “siêu bom” MOAB (Mẹ của các loại bom) nặng 10 tấn xuống mục tiêu IS ở Afghanistan. Ngày 15-4, ông Trump triển khai một đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tiến về bán đảo Triều Tiên, có nhiều hành động gia tăng áp lực cũng như phát ngôn đe dọa chiến tranh với nước này.
Tàu chiến Mỹ nã tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria ngày 7-4. Ảnh: THE MERCURY
Thomas Friedman - nhà bình luận các vấn đề đối ngoại của New York Times, trong sự nghiệp làm báo của mình dù chưa từng đặt câu hỏi về bất kỳ sự tấn công hay can thiệp nào của Mỹ với các nước nhưng đã quá choáng váng vì quyết định nã tên lửa vô Syria của ông Trump.
Sau tất cả, ông Trump sẽ làm gì tiếp với Syria? Đến giờ chính sách của ông Trump với Syria vẫn chưa rõ ràng. Trong khi ông Trump khẳng định đòn nã tên lửa vừa rồi chỉ là đáp trả việc Syria đánh bom hóa học, ưu tiên của Mỹ vẫn là đánh IS, Mỹ sẽ không đưa quân vào Syria, nhiều quan chức Mỹ không loại trừ khả năng sẽ còn tấn công Syria mạnh hơn.
Việc triển khai đội tàu tấn công đến gần bán đảo Triều Tiên, theo The Mercury, động thái này không chỉ làm Triều Tiên tức giận mà cả Hàn Quốc, Nhật – hai quốc gia phi hạt nhân nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên – thêm căng thẳng. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi đội tàu tấn công Mỹ đến bán đảo Triều Tiên? Chưa kể thực tế lúc ông Trump nói đội tàu tấn công này đang di chuyển về hướng ngược lại, tới Ấn Độ Dương tập trận với Úc, cách bán đảo Triều Tiên tới vài ngàn km. Thông tin này phần nào khiến cho các đồng minh Mỹ tại khu vực hoang mang và mất niềm tin.
Ngược chủ trương tranh cử
Tất cả những hành động đối ngoại này đều đi ngược lại các tuyên bố tranh cử của ông Trump. Thời điểm tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ không tấn công Syria, lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Trump từng mỉa mai cựu Tổng thống George W. Bush đưa quân vào Iraq và Afghanistan. Giờ ông Trump lại tính tăng thêm quân cho hai chiến trường này. Một trong những nhiệm vụ của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi thăm Afghanistan mới đây là khảo sát xem nước này cần thêm khoảng bao nhiêu quân, theo lệnh ông Trump.
Ngoài ra, lúc tranh cử ông Trump tuyên bố sẽ hài tội Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, tiền đề của việc trừng phạt thương mại. Nhưng mới đây ông Trump tuyên bố sẽ không định danh Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và không bàn đến trừng phạt thương mại, đổi lấy sự hợp tác của nước này kiềm chế Triều Tiên.
Ông Trump lúc tranh cử cũng thường xuyên chỉ trích NATO là tổ chức lỗi thời, lợi dụng tài chính Mỹ. Mới đây sau vụ nã hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria và căng thẳng với Nga, ông Trump quay sang tranh thủ NATO để đối phó Nga, nói NATO không còn lỗi thời.
Ông Trump (phải) họp báo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng giữa tháng 4. Ảnh: AP
Không chỉ đi ngược các chủ trương lúc tranh cử mà thực tế hành động của ông Trump đều là các bước đi tiếp nối chính sách của chính phủ tiền nhiệm Obama, theo Globalist.
Ông Obama từng tuyên bố nếu ông Assad vi phạm thỏa thuận phả hủy vũ khí hóa học thì Mỹ sẽ tấn công. Quả bom mẹ MOAB vừa được thả xuống Afghansitan vốn được Mỹ triển khai đến nước này từ thời Obama, và quy định trong bối cảnh nào được sử dụng quả bom này cũng được vạch ra từ thời Obama.
Nhiều vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra thất bại, và theo nhiều chuyên gia thì có thể do sự can thiệp từ vũ khí mạng của Mỹ. Thực ra chương trình vũ khí mạng được thiết kế nhằm dập tắt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ nhất của ông Obama.
Bất đồng quan điểm với các phó tướng
Có thông tin ông Trump đang bất đồng với các phó tướng về chủ trương đối phó với Nga và với các liên minh Nga-Syria, Nga-Iran.
Sau khi xảy ra vụ đánh bom hóa học ở Syria làm 87 người chết, Giám đốc CIA Mike Pompeo chỉ trích mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và mô tả nước Nga là kẻ thù. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích ông Putin không kiềm chế Syria. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn nghi ngờ khả năng Nga can dự vào vụ đánh bom này. Trong khi đó ông Trump vẫn xem ông Putin là người hiểu biết và vẫn hy vọng có thể thương lượng cùng.
Thậm chí Tướng H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia cũng cười vào sự lạc quan của ông Trump. Trả lời phỏng vấn ABC News, khi được đề nghị lý giải về sự lạc quan của ông Trump với ông Putin và Nga, Tướng McMaster đã có câu nói đùa: “À, khi quan hệ đã ở mức thấp nhất rồi thì nó còn xuống đâu được nữa chứ, chỉ có khả năng đi lên thôi”.