Chị Trần Thị Diệu vừa đung đưa đứa cháu nội chưa đầy tuổi trên võng trước hiên nhà, vừa kể chuyện những ngày sau bão Linda hồi đầu tháng 11-1997. “Cơn bão ập đến. Đời sống bình thường bị đảo lộn tung tóe. Nỗi đau bao trùm, xóm làng tan tác” - chị Diệu mở đầu câu chuyện.
Gã khùng và tay quậy Bão Biển
Sau cái đêm tan tác ấy, đêm 3-10-1997 âm lịch, bầu trời không sáng, cứ ảm đạm một màu xám xịt. Xóm Kinh Mới ở ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau chìm trong cảnh màn trời chiếu đất. Tại một gốc chuối tan tác vì gió bão, chị Diệu một tay bồng con gái út ba tháng tuổi, tay kia ôm đầu hai đứa lớn (lên năm, lên ba), mắt đẫm lệ.
Chị đang nghĩ đến người chồng. Đêm qua chị bấu víu vào một bụi trúc, giành sự sống cho các con trước sức gió kinh hoàng của bão Linda. Nhưng anh ấy, chồng chị, ở ngoài khơi đại dương có gì mà bấu víu, mà dựa dẫm.
Rồi chị theo dòng người trong xóm tiến ra cửa biển Khánh Hội mà ngóng nghía tin xa. Chị cũng bắt chước chị em, đến từng cái xác người vừa vật vờ trôi dạt bìa rừng mà nhận mặt. Thỉnh thoảng có người khóc ré lên vì nhận được xác người thân. Tim chị quặn lại, ước mình không phải vậy.
Chị kể: “Tôi cứ đi tìm nhưng không bao giờ muốn gặp. Cứ mỗi lần tưởng tượng ra cái tình cảnh nhìn được mặt chồng là tim nhói đau. Cho đến những ngày sau đó, khi những cái xác trôi về trương to, tôi lại muốn gặp được chồng mình để ít nhất tôi còn làm được một việc cuối cho anh ấy, mộ yên mả đặng. Nhưng đến nay anh ấy vẫn bặt tăm”.
Không có nhiều người nhận được xác của người thân nên những bàn thờ cứ lập nên mà không có những nấm mộ sau hè.
Linda đã cướp đi của Khánh Hội, của Sông Đốc, nói chung ở tất cả cửa biển Cà Mau những trụ cột của gia đình, những hy vọng tương lai. Linda để lại những “xóm không chồng”, những trẻ mồ côi cha, những tiếng nấc đêm khuya, một gã khùng, một tay quậy mang tên Bão Biển…
Chị Lý Hồng Lý (nhà ở ấp 1, xã Khánh Hội) kể: “Sau bão, xóm này xuất hiện một ngư phủ khùng, là thằng Tài ở đầu kênh trong, thoát nạn trở về nhưng bị khùng luôn. Hằng ngày thấy nó đi ngang qua nhà, nhẽo miệng cười ngây dại là tôi khóc. Tôi ước gì hai đứa em trai tôi (thằng Đoán, thằng Đến) cũng trở thành gã khùng như vậy để tôi còn tắm táp, cho ăn hằng ngày, rồi nhìn nó cười với tôi. Nhưng không! Tụi nó đã vĩnh viễn nằm ngoài khơi lạnh lẽo khi đứa mười sáu, đứa hai mươi”.
Còn bên kia sông, ở kênh Xáng Mới, nơi được mệnh danh là xóm không chồng, vừa xuất hiện một thằng quậy khét danh tên Bão Biển. Hằng ngày nghe kể về “thành tích” quậy của nó, người ta đau xé lòng. Nó được sinh ra trong đêm bão tố ấy nên mẹ nó đặt cho cái tên là Bão Biển. Rồi mẹ nó có chồng, gửi nó lại cho bà ngoại nuôi. Gần đây nó xăm trổ, sơn đầu xanh đỏ, đi sớm về khuya, nẹt pô inh ỏi, nói tục chửi thề…
Chị Lý kể tiếp về gia cảnh mình: “Sau bão, tôi mất cha và hai em trai. Mẹ tôi ăn chay trường, lập bàn thờ theo đạo, khấn bái quanh năm. Đã 20 năm rồi, tôi vẫn còn nghe mẹ khóc nấc lúc nửa đêm, nhất là những ngày trước đám giỗ của cha và hai em tôi như thế này”.
20 năm qua chị Trần Thị Diệu luôn mong có ngày chồng mình sẽ trở về. Ảnh trong bài: TRẦN VŨ
Con em của những ngư dân tử nạn trong bão Linda vẫn nối nghề cha anh.
Chị em góa phụ Cà Mau cùng bám víu vượt qua khó khăn.
Ánh sáng sau đại thảm họa
Vẫn giọng thật buồn chị Lý kể tiếp câu chuyện gia đình mình. Chị nói những người thoát nạn về kể lại chiều hôm bão Linda bắt đầu hoành hành, ông Nhựt ở cùng xóm cũng đang đánh bắt trên biển, gọi bộ đàm với ông Lý Văn Mướt (tức Sáu Mướt, cha ruột chị Lý). Ông Nhựt báo bão đến rồi,
về thôi. Sáu Mướt không tin, bảo rằng đài báo bão giả hoài, hơn nữa ông đang rất trúng mực, mới nửa con nước mà đã được 15 triệu đồng rồi. Gắng đánh tiếp để được 30 triệu đồng về trả dứt nợ đóng tàu.
Quả nhiên, sau bão khoảng nửa tháng, trên đài truyền hình thông báo có một ngư dân ở tỉnh Kiên Giang kéo lưới vớt được cái ví có nhiều tiền và có giấy chứng minh thư tên Lý Văn Mướt. “Mẹ tôi qua Kiên Giang nhận cái ví của cha về. Số tiền trong đó hơn 15 triệu đồng, đúng như chú Nhựt kể. Nhưng nó rách nát, rã rời gần hết, còn nguyên vẹn khoảng 5 triệu đồng thôi. Thật không ngờ rằng người trả ví lại lấy tiền túi của mình bù vào những đồng tiền rách nát đó để mẹ tôi được nhận đủ tiền của cha” - mắt chị Lý đỏ hoe, nghẹn ứ.
Không những vậy, chị Lý và những người có người thân gặp nạn trong bão Linda còn chứng kiến biết bao ánh sáng khác từ cái nghĩa đồng bào và cái tình bầu bí.
Bà con nơi đây kể lại: Trong khoảng năm năm sau bão Linda, xứ sở này duy trì suốt một việc lạ, chưa từng có. Chị Diệu kể: “Tôi nhớ bà Sáu Hương, nay mất rồi. Cứ tới ngày đám giỗ những ngư dân tử nạn, bà lại chèo xuồng đi dài theo xóm kinh Xáng Mới này để thắp hương. Bà luôn chở đầy
một xuồng quà đám, là thịt, cá, rau củ, phân sẵn trong các bọc nylon. Bà gửi mỗi gia đình một phần, thắp nén hương cho người tử nạn rồi lại đi. Mà cả xóm, những người không có thân nhân gặp nạn đều làm vậy, cả những người không khá giả gì. Lúc đó người không có đám giỗ tốn kém hơn là người có đám giỗ, bởi người nào cũng chở quà bằng xuồng mới hết. Như bán hàng bông”.
Chị Diệu cũng nhắc đến những vị khách hoàn toàn xa lạ, thi thoảng ghé nhà hỏi han, thắp hương cho các ngư phủ và gửi lại món quà, khi bịch bánh, khi bị gạo, trái cây.
Những nghĩa cử cao quý ấy của cộng đồng, của lối xóm đã làm vơi đi phần nào mất mát của ngư dân Cà Mau, là động lực để những cô nhi, quả phụ tiếp tục cuộc sống lương thiện, sống tốt, có ích cho đời. Chị Trần Thị Lăng (ấp 4, xã Khánh Hội) tâm sự: “Trong hoạn nạn mới thấy hết được tình người. Bà con xứ này tốt bụng lắm, nhờ vậy mà chị em chúng tôi mới vượt qua được hoàn cảnh khốn khó ấy sống đến ngày nay”.
Niềm hy vọng của xóm không chồng
Chị Lăng cũng được người ta nhắc đến là một góa phụ can trường, chung thủy. Khi chồng tử nạn chị mới gần 30 tuổi, nhan sắc còn rất mặn mòi. Nhưng chị thà cùng các con hằng ngày đi cấy lúa thuê, làm cỏ mướn, đi mót lúa sót trên đồng chứ không đoái hoài đến những lời ngọt ngào ong bướm.
Và thật bất ngờ khi nói chuyện với chị Trần Thị Diệu về chuyện bước thêm bước nữa của xóm không chồng. Theo chị Diệu thì chỉ có khoảng 3-4 người tái giá trong số 10 người có chồng chết trong bão Linda. Riêng bốn phụ nữ nhà chị gồm chị, em dâu, hai người chị đều ở vậy mà chờ chồng. “Chị em cứ chờ đợi, đến già khú không hay, muốn bước thêm cũng chẳng được nữa rồi” - chị Diệu cười.
Đoạn, chị Diệu nói với tôi một cách nghiêm túc: “Chị em bảo nhau còn chưa thấy xác, chưa thấy ghe thì không tin chồng đã chết. Biết đâu các anh ấy được ngư dân một nước nào đó vớt được, đang sống xứ người. Rồi một ngày nào đó các anh sẽ về như thằng On, thằng Đại thì sao. Với tui, đến khi nào tui gặp mặt ảnh dưới suối vàng, tôi mới tin anh đã chết”.
Tưởng niệm đồng bào tử nạn trong bão Linda Theo kế hoạch của UBND tỉnh Ca Mau, vào ngay 2-11 tới, tỉnh này sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong bão Linda năm 1997 tại ba cửa biển là Sông Đốc, Khánh Hội và Cái Đôi Vàm. Kế hoạch thể hiện qua thống kê, Cà Mau bị bão Linda năm 1997 làm chết 128 người và 1.164 người mất tich. Nối tiếp cha anh bám biển Bao Linda (bao số 5) xuất hiện từ ngay 1 đến 3-11-1997, là cơn bão gây thiệt hại nặng nhất về người và của cho Nam bộ va vùng biển phụ cận trong 100 năm qua. Bão có sức gió lên tới 150 km/giờ, làm thiệt mạng 3.111 người (đa số la ngư dan Ca Mau), hư hại hơn 200.000 căn nha, 325.000 ha ruộng. Thiệt hại về vật chất ước tinh lên đến 385 triệu USD (số liệu từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Theo chính quyền xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau, có têen 70% gia đình có ngư phủ tử nạn vẫn tiếp tục nghề đánh bắt biển như cha anh của mình. |