Những ngày qua ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), trong khi thực hiện việc chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, nhiều người đã viết đơn từ chối và nhường số tiền lại cho người nghèo khó hơn mình.
Cụ thể, theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, tính đến hết ngày 11-5, trên địa bàn đã có khoảng 2.000 người tự nguyện viết đơn không nhận với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng để hỗ trợ những người còn gặp khó khăn hơn mình.
Theo đó, có xã có hàng trăm nhân khẩu tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ như xã Xuân Phong có 850 nhân khẩu, xã Xuân Lập 577 nhân khẩu, Thuận Minh 239 nhân khẩu... khiến nhiều người xúc động như trở thành phong trào tại huyện này.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cho biết có nhiều người thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã làm đơn không nhận tiền.
Ông Thức cho rằng hành động của người dân có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân trước khó khăn chung của đất nước và muốn nhường lại tiền cho những người khó khăn hơn.
Cũng theo ông Thức, sau khi nhiều hộ dân không nhận tiền hỗ trợ, đều được các xã thông báo lên hệ thống loa phát thanh vừa biểu dương và cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch về gói hỗ trợ đối với người dân.
Theo tính toán, địa bàn huyện Thọ Xuân thống kê bốn nhóm đối tượng là các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo là 46.545 người với tổng số tiền trên 48 tỉ đồng.
Chị Đỗ Thị Hiền, hộ cận nghèo, từ chối nhận 3 triệu đồng hỗ trợ để nhường lại cho người khó khăn hơn. Ảnh: ĐT
Đến thời điểm hiện nay, huyện đã cấp tiền cho các đối tượng này đạt 95%. Đối với những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, ốm đau, già cả, cán bộ bưu điện huyện sẽ đến tận nhà trao tiền hỗ trợ.
Tại thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) được xem là thôn nghèo nhất của xã với 282 nhân khẩu cận nghèo nhưng cũng là thôn có tinh thần ủng hộ cao nhất (với gần 50% số nhân khẩu) tự nguyện làm đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ.
Trao đổi với PV, chị Đỗ Thị Hiền là hộ cận nghèo chia sẻ qua báo, đài thấy những bà cụ 70-80 tuổi vẫn đạp xe hỗ trợ từng bó rau, bao gạo hay những bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn mình không hỗ trợ được thì cũng nên có hành động cụ thể. “Mặc dù gia đình tôi nhận được hỗ trợ 3 triệu đồng từ gói hỗ trợ trên nhưng tôi đã viết đơn và đề nghị không nhận khoản tiền này mà nhường lại cho người khó khăn hơn nữa” - chị Hiền cho hay.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị Đỗ Thị Gấm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã viết đơn xin nhường lại tiền cho người khó khăn hơn. Ảnh: Đ.TRUNG
Hay như trường hợp của chị Đỗ Thị Gấm có năm nhân khẩu thuộc diện cận nghèo dù là làm ruộng và làm thêm bánh lá bán kiếm tiền trang trải nhưng khi thấy nhiều người dân nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ người khó khăn nên chị Gấm đã nhường lại toàn bộ 3,75 triệu đồng hỗ trợ của mình cho những người còn khó khăn, thiệt thòi hơn trong đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), khẳng định không chỉ gia đình chị Hiền, chị Gấm mà còn rất nhiều người khác trên địa bàn huyện Thọ Xuân cũng tình nguyện viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Thọ Xuân.