2018, ai thắng ai thua trên chiến trường Syria?

Năm 2018 bắt đầu với sự lạc quan đầy thận trọng cho hòa bình Syria khi hơn 1.000 đại biểu tập trung ở TP Sochi (Nga) hồi tháng 1, dự vòng hòa đàm do Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức.

Lần đầu tiên các nhân vật đối lập cấp cao như Ahmad Jarba và Haitham Manaa cùng ngồi đối diện với phái đoàn từ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Dù thế vòng đàm phán không giúp được nhiều cho Syria đang bị nội chiến hoành hành. Tuy nhiên, đến cuối năm, tiến trình đàm phán hòa bình đã chuyển từ yêu cầu “Assad phải ra đi” sang đơn giản thành lập một hiến pháp mới cho Syria, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Phe nổi dậy thảm bại

Trong một bài viết trên The Arab Weekly, sử gia - học giả Sami Moubayed, Chủ tịch và là nhà sáng lập Hiệp hội Lịch sử Damascus, nhận định sự thay đổi này không phải tự nhiên mà là hệ quả của một loạt diễn biến trên chiến trường Syria. Sáu tháng đầu năm 2018 được đánh dấu với các diễn biến chiến trường lớn và tất cả đều là lợi thế của Nga, của chính phủ Syria và các lực lượng cùng phe.

Ngày 25-1, Nga và chính phủ Syria mở một chiến dịch tấn công lớn tái chiếm Đông Ghouta do phe nổi dậy kiểm soát từ năm 2012. Đến giữa tháng 4, chính phủ Syria tuyên bố chiến dịch hoàn thành và thắng lợi. Các phần tử nổi dậy từ chối tham gia vào thỏa thuận hòa giải do Nga dẫn đầu được chuyển về Bắc Syria dưới sự bảo trợ của LHQ. Đây là diễn biến chiến trường quan trọng nhất ở Syria kể từ sau khi Nga và chính phủ Syria tái chiếm TP Aleppo tháng 12-2016.

Ngày 19-4, một chiến dịch nữa được bắt đầu và lần này nhằm vào quận Yarmouk Camp ở thủ đô Damascus và TP Hajar al-Aswad cách Damascus 4 km về phía Nam do IS kiểm soát từ năm 2012. Đến cuối tháng 5, chính phủ Syria chiếm lại cả hai khu vực.

Ngày 22-6 là ngày bắt đầu chiến dịch quân sự lớn cuối cùng trong năm của Nga và chính phủ Syria, nhằm vào các khu vực phe nổi dậy kiểm soát ở phía Nam, quanh TP chiến lược Daraa, nơi được xem là cái nôi phát động phong trào nổi dậy.

Chiến dịch kết thúc ngày 6-7 với việc chính phủ Syria chiếm lại vùng biên giới với Jordan. Theo thỏa thuận đầu hàng do Nga bảo trợ, từng hàng dài xe buýt được chính phủ Syria triển khai chở các phần tử nổi dậy về tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, nơi được xem là căn cứ chính của phe nổi dậy với hàng ngàn tay súng.

Có thể nói 2018 là năm thảm bại với phe nổi dậy khi mất hàng loạt lãnh thổ chính về tay chính phủ Syria, cùng với đó là mất luôn ảnh hưởng với tiến trình hòa bình bắt đầu từ bốn năm trước.

Từ trái qua: Các ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (Iran), Sergei Lavrov (Nga), Mevlut Cavusoglu (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng bắt tay trong cuộc họp báo sau đàm phán thành lập ủy ban hiến pháp Syria tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 18-12. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Nga cắm cờ quốc gia tại tỉnh Idlib (Syria) ngày 25-9. Ảnh: AFP

Mỹ và đồng minh người Kurd cùng thua

Sự ủng hộ của Mỹ với phe nổi dậy cũng bất ngờ chấm dứt trong năm 2018, cả hỗ trợ tài chính với tổ chức Mũ bảo hiểm trắng thân phe nổi dậy. Bên duy nhất còn nhận được hỗ trợ quân sự của Mỹ ở Syria là lực lượng tay súng người Kurd (YPG) thành phần chính của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - được Mỹ xem là đối tác chính trong cuộc chiến chống IS ở Syria. YPG hiện diện ở nhiều TP và thị trấn phía Đông sông Euphrates. YPG đã bị Mỹ cảnh báo không được can thiệp vào chiến dịch đánh phe nổi dậy của quân chính phủ Syria.

Không thể phủ nhận, cùng với phe nổi dậy, YPG cũng là bên thảm bại trong năm 2018, khi cả Mỹ và Nga cùng làm lơ cho các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đánh chiếm TP Afrin, tỉnh Aleppo cuối tháng 2. Afrin nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga và có thông tin rằng Tổng thống Nga Putin đã có thỏa thuận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Theo đó Nga sẽ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Afrin, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thuyết phục phe nổi dậy rời khỏi Đông Ghouta.

Ngày 19-12, Mỹ bất ngờ tuyên bố đã giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS và sẽ rút quân về nước. Đây là một tin sốc khi dù hồi cuối tháng 3 ông Trump từng nói tới chuyện rút quân khỏi Syria nhưng nhiều quan chức quốc phòng Mỹ vẫn khẳng định Mỹ sẽ duy trì hiện diện đến chừng nào Iran rút khỏi Syria. Quyết định của Mỹ là đòn đau với YPG khi lực lượng này lệ thuộc lớn vào sự hiện diện của Mỹ ở Syria.

Theo học giả Moubayed, một khi Mỹ rút, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tấn công vào các lực lượng YPG ở Đông Syria. Không lâu trước khi Mỹ thông báo rút quân, ông Erdogan đã huy động quân đội chuẩn bị cho một chiến dịch mới nhắm vào YPG ở Đông sông Euphrates.

Như để giải thích cho quyết định gây sốc của Mỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert S. Ford nói sự hiện diện hạn chế của Mỹ ở Syria cũng không thể đẩy được Iran ra khỏi Syria, cũng không thể thay đổi được cục diện nội chiến Syria.

Mỹ hiện có trên 2.000 quân ở Syria. Tuy nhiên, ông Ford - hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông (Mỹ) và giảng dạy tại ĐH Yale (Mỹ) thừa nhận việc bỏ rơi các đồng minh người Kurd sẽ ảnh hưởng lòng tin của các tay súng địa phương với Mỹ trong các chiến dịch chống khủng bố như ở Afghanistan, Yemen, Somalia.

Nga đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh rằng quyết định của Mỹ tạo điều kiện cho sự dàn xếp chính trị ở Syria, đồng thời nói thêm sáng kiến lập ủy ban hiến pháp Syria sẽ có cơ hội thành sự thật một khi lính Mỹ không còn ở Syria. Và với Mỹ, rút khỏi Syria có thể là một điểm cộng như lời ông Trump từng nói sẽ giúp Mỹ tiết kiệm một số tiền lớn.

Tuy nhiên, trong bài viết trên Foreign Policy, nhà phân tích cấp cao Steven A. Cook về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) cho rằng đây là một bước lùi lớn về ngoại giao với Mỹ. Các đồng minh Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Vịnh dù rất trông chờ ở Mỹ nhưng cuối cùng vẫn phải tiếp cận Nga để đảm bảo quyền lợi của mình.
Tổng thống Erdogan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanjahu thời gian gần đây dần xuất hiện nhiều bên cạnh ông Putin. Vua Salman của Saudi Arabia có chuyến thăm đầu tiên đến Nga tháng 10-2017. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thì nói rằng Nga nên được tham gia vào các cuộc bàn bạc quan trọng trong khu vực. Nói cách khác, theo nhà phân tích Cook, kỷ nguyên Mỹ là nước quyết định luật chơi ở Trung Đông và duy trì trật tự khu vực trong 25 năm qua đã hết.

Nga, ông Assad thắng vẻ vang

Bên thắng vẻ vang nhất ngoài chính phủ ông Assad không nghi ngờ gì là Nga và ông Putin. Toàn bộ các tiêu chuẩn Nga đặt ra khi can thiệp quân sự vào xung đột Syria đã đạt được. Mới đe dọa với đồng minh Syria đã được loại trừ. Cuộc hòa đàm Geneva do LHQ bảo trợ đã không sống nổi với sự ra đi của người thiết kế chính - đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura hồi tháng 10.

Các cuộc đàm phán về chuyện thành lập một cơ quan chuyển tiếp chính phủ hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp cũng không còn. Hiện các bên đang hướng về nội dung bàn lập một ủy ban hiến pháp, có thể sẽ bắt đầu đàm phán vào đầu năm 2019.

Các nước Ả Rập như Kuwait, Bahrain đang dần nhích gần và tìm kiếm quan hệ hữu nghị với Syria. Tuần trước Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng sẵn sàng làm việc với ông Assad nếu ông này thắng trong cuộc bầu cử dân chủ tới, một bước đảo ngược so với việc ông Erdogan năm ngoái từng gọi ông Assad là khủng bố. Rõ ràng việc các đồng minh lịch sử của Mỹ tiến gần đến ông Assad rất hợp ý Nga và ông Putin.

Đường hồi hương vẫn còn xa lắm

Sẽ không đúng nếu cho rằng xung đột Syria sẽ kết thúc trong năm 2018. Một lượng lớn lãnh thổ vẫn đang trong tay YPG. Thổ Nhĩ Kỳ lại đang chiếm một số TP biên giới như Jarabulus, Azaz, Afrin, al-Bab. Nga hứa giúp hồi hương hai triệu người Syria tị nạn vào cuối năm nay nhưng đến giờ vẫn chỉ mới con số rất nhỏ về lại quê hương.

Thêm nữa, một câu hỏi lớn đang đặt ra là liệu Syria sẽ lấy tiền từ đâu cho công tác tái thiết. Nga và Iran thì không thể, đặc biệt khi Mỹ vừa gia tăng trừng phạt hai nước này. EU thì sẽ không chịu chi đến chừng nào tiến trình chính trị bắt đầu và mọi chiến trường Syria im tiếng súng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm