3 câu hỏi lớn sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc tại Washington vào tuần này trong cuộc đàm phán với mục tiêu chấm dứt chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng sớm thông báo kế hoạch gặp gỡ ông Lưu Hạc hôm 4-4 (giờ Mỹ), một dấu hiệu lạc quan mở đường cho thượng đỉnh giữa ông Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến sớm diễn ra tới đây.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung có thay đổi?

Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết phía Mỹ đã đồng ý gia hạn cho Bắc Kinh thời gian từ nay đến năm 2025 phải đáp ứng được tất cả cam kết nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, trong đó gồm có đậu nành và các sản phẩm năng lượng. Đồng thời, TQ phải mở rộng cửa cho phép các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Mỹ có quyền tự do quyết định hoạt động kinh doanh tại thị trường của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Nếu không đảm bảo các yêu cầu này, phía Mỹ sẽ trả đũa TQ.

Cho đến hiện tại, được biết hai bên đã hoàn thành 90% tiến trình đi đến một thỏa thuận nhưng 10% còn lại vẫn còn chông gai và phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Trump và người đồng cấp TQ. Theo Bloomberg, bộ ba Robert Lighthizer, Steven Mnuchin cùng với Lưu Hạc đang nỗ lực để thượng đỉnh Trump-Tập diễn ra theo đúng dự kiến.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định hai đoàn đàm phán gặp nhau kể từ ngày 3-4 (giờ Mỹ) đã đạt được những tiến bộ đáng kể, dù cảnh báo rằng thỏa thuận cuối cùng để kết thúc chiến tranh thương mại vẫn chưa thể biết được. “Các nhà đàm phán đã tạo ra những tiến bộ đáng mừng. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán trong tuần này sẽ đưa chúng tôi đến gần thỏa thuận hơn” - ông Kudlow nói.

Việc Washington cho TQ thời gian đến năm 2025 để thực hiện cam kết khiến nhiều người thắc mắc liệu thỏa thuận Mỹ-Trung sẽ làm thay đổi quan hệ thương mại Mỹ-Trung, hay đơn giản chỉ là chiến thắng mang tính biểu tượng chính trị của ông Trump trước thềm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 mà ông Trump sẽ tái ứng cử.

Ngân hàng Thế giới dự báo bức tranh u ám với kinh tế thế giới năm 2019. Ảnh: GETTY

Cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ sẽ ra sao?

Mặc dù Mỹ đạt được một số lợi thế nhất định trước TQ nhưng rõ ràng các vấn đề cốt lõi của lợi ích Mỹ, ví dụ cáo buộc TQ ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, vẫn chưa được giải quyết tường tận. Tương lai giải quyết các vấn đề này vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Ông Trump từng tuyên bố tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào TQ với cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Nhưng cho đến hiện tại, dường như Washington chỉ tập trung vào các mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với TQ bằng các yêu cầu chính quyền Bắc Kinh cam kết gia tăng mua hàng Mỹ.

Cụ thể, Nhà Trắng mong muốn Bắc Kinh phải thu hẹp sự mất cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung vào quý II-2020, ngay trước thềm bầu cử Mỹ. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin khẳng định vì lý do bầu cử, chính quyền Trump đốc thúc TQ thực hiện một lượng lớn các giao dịch thương mại trong vòng hai năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận Mỹ-Trung.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại Mỹ với TQ đạt mốc kỷ lục, lên đến 419,2 tỉ USD. Vì vậy, các nhà đàm phán hai nước đang thảo luận làm thế nào để thực thi thỏa thuận thu hẹp thâm hụt thương mại trong thời gian tới, điều mà Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer cho là “trọng tâm” trong đàm phán hai bên.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 2-2019, ông Lighthizer khẳng định Mỹ muốn TQ chấp nhận quyền đơn phương tấn công TQ nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận. Nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết TQ về cơ bản đồng ý không trả đũa Mỹ nếu Washington có hành động chống lại Bắc Kinh nhưng từ chối đưa ra một cam kết chính thức để hạn chế các động thái gây bất lợi của Nhà Trắng.

TQ đã thừa nhận Mỹ có những hiểu biết được chấp nhận về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tấn công mạng.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng LARRY KUDLOW 

Các mức thuế hiện nay có được gỡ bỏ?

Câu hỏi cuối cùng là các gói thuế mà Mỹ, TQ đã áp lẫn nhau lên lượng hàng hóa trị giá 360 tỉ USD trong vòng chín tháng qua sẽ ra sao trong thời gian tới? Tổng thống Trump tháng trước cho biết ít nhất một vài loại thuế vẫn tiếp tục được áp lên hàng TQ, bởi vì điều đó cần thiết để đảm bảo TQ thực thi cam kết và chấm dứt việc ngã giá với Mỹ.

Theo các nguồn tin giấu tên nói trên Bloomberg, thời hạn Mỹ tiếp tục gia hạn một số loại thuế với TQ có thể kéo dài từ 90 ngày đến 180 ngày sau khi hai bên ký thỏa thuận. Thời hạn đó còn tùy thuộc vào việc TQ thực hiện các cam kết của mình ra sao.

Các quan chức Mỹ và TQ vẫn đang thảo luận thời điểm hai nhà lãnh đạo Trump, Tập có thể ngồi lại để ký thỏa thuận. Dự kiến thời điểm cuộc gặp quan trọng này có thể được công bố vào ngày 4-4 (giờ Mỹ). Về địa điểm, “TQ từng xem xét khả năng ông Tập sẽ đến Mỹ để gặp ông Trump. Tuy nhiên, nước này hiện muốn thượng đỉnh Trump-Tập diễn ra tại một quốc gia thứ ba trung lập” - Bloomberg cho hay.

Chiến tranh thương mại là mối đe dọa lớn nhất với châu Á

Báo South China Morning Post dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á. Xung đột Mỹ-Trung làm suy yếu nguồn đầu tư và tăng trưởng trong việc phát triển kinh tế châu lục này. Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho biết dự báo tăng trưởng khu vực giảm từ 5,9% năm ngoái xuống còn 5,7% vào năm nay và dự kiến tiếp tục giảm còn 5,6% trong năm tiếp theo. Ngoài chiến tranh thương mại, ADB cho rằng việc Anh rời khỏi EU (Brexit) cũng khiến kinh tế châu Á suy yếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm