Một nhóm học giả Trung Quốc cho rằng dịch COVID-19 bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ và đã lây nhiễm từ người sang người ở đây trong nhiều tháng trước khi dịch bệnh được phát hiện tại TP Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc (Trung Quốc), đài RT ngày 27-11 đưa tin.
Trong một công bố sơ bộ trên tạp chí khoa học The Lancet, ba chuyên gia Trung Quốc là các ông Libing Shen (Viện Khoa học Thần kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), Funnan He (Trung tâm Sinh học tiến hóa, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) và Zhao Zhang (Trung tâm Khoa học Sức khỏe, Đại học Texas, Mỹ) đã công bố những bằng chứng mới liên quan tới nguồn gốc virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19).
Các nhà khoa học này viết: "Cả thông tin địa lý về chủng virus ít đột biến nhất và sự đa dạng của các chủng virus đều gợi ý rằng tiểu lục địa Ấn Độ có thể là nơi xảy ra tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người sang người sớm nhất".
Ảnh minh họa - Các nhân viên y tế Ấn Độ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: EPA
Các chuyên gia Trung Quốc đưa ra nhận định trên sau khi so sánh 4.571 trình tự gene virus SARS-CoV-2 do các trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới phân lập được trong thời gian từ tháng 12-2019 đến tháng 7-2020.
Theo đó, 41 trình tự gene virus SARS-CoV-2 được cho là có ít đột biến hơn trình tự gene được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Trong nghiên cứu này, "những trình tự gene với ít đột biến nhất có thể được tìm thấy ở tám quốc gia" (bao gồm Ấn Độ và Bangladesh thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với Úc, Hy Lạp, Mỹ, Nga, Ý, Cộng hòa Czech).
"Bốn trình tự gene thể hiện giai đoạn ban đầu của sự lây nhiễm từ người sang người" và hiện tượng lây nhiễm này có thể đã bắt đầu từ tháng 7-2019 hoặc tháng 8-2019.
Ấn Độ, Bangladesh và Saudi Arabia (nằm gần tiểu lục địa Ấn Độ) được liệt kê là những khu vực có mức độ đa dạng về trình tự gene virus SARS-CoV-2 cao. Dựa vào điều này, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng "việc ai đó suy luận rằng sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người sang người sớm nhất có thể xảy ra ở tiểu lục địa Ấn Độ là điều tất nhiên".
Ba nhà khoa học Trung Quốc còn cho rằng điều kiện vệ sinh kém, hệ thống y tế công cộng "kém hiệu quả", "khí hậu nhiệt đới" và "dân số quá trẻ" là những nguyên nhân gia tăng lây nhiễm COVID-19 ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Đây được coi là nỗ lực tiếp theo của các nhà khoa học Trung Quốc trong việc chứng minh rằng dịch COVID-19 không xuất phát từ nước này. Trước đó, một số quan chức ở Bắc Kinh cho rằng các binh sĩ Mỹ đến thăm Vũ Hán đã mang theo loại virus nguy hiểm này, dù không đưa ra bằng chứng xác đáng.
Một nghiên cứu khác tại TP Milan (Ý) cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan ở đây từ năm ngoái, trước khi dịch COVID-19 bị phát hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học quốc tế chưa có kết luận thống nhất về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Ngày 27-11, ông Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng có nhiều cơ sở để suy đoán COVID-19 không bắt nguồn từ Trung Quốc, theo kênh Channel News Asia.
Ông Ryan nhắc lại rằng các cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang được tiến hành và các bằng chứng có thể chỉ ra khu vực khởi phát dịch là một nơi nào đó bên ngoài Trung Quốc.
Bản thân WHO cũng đã cử đoàn chuyên gia của tổ chức này đến khu chợ ở Vũ Hàn (nơi từng phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên hồi cuối năm 2019) để điều tra thêm về nguồn gốc dịch bệnh - ông Ryan nhấn mạnh.
Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về virus SARS-CoV-2, đại dịch do chủng virus này tạo ra vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Tính tới 6 giờ 45 phút sáng 28-11 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã phát hiện ít nhất gần 61.938.200 ca nhiễm COVID-19, nhiều nhất là tại Mỹ (chiếm khoảng 21,7%).
Số người đã tử vong liên quan tới đại dịch này là gần 1.448.000 người, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
Ấn Độ đang là ổ dịch lớn thứ hai của thế giới với gần 9.349.300 ca nhiễm, bao gồm 136.190 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, Bangladesh là nước có số ca nhiễm cao thứ 25 thế giới và cao thứ sáu tại châu Á với hơn 458.700 ca nhiễm (gồm gần 6.550 ca tử vong).