30% hộ gia đình thấy bị ảnh hưởng tiêu cực do giá hàng hóa tăng cao

(PLO)- Theo Tổng Cục thống kê, có 10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng giá trong tháng 7. Bình quân bảy tháng năm 2023 lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin từ Tổng Cục thống kê, khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 7 cho thấy ổn định so với tháng trước. Tỉ lệ hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,5%, giảm nhẹ so với tháng trước.

Tỉ lệ hộ gia đình đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,5%.

Những nguyên nhân chính khiến thu nhập giảm được các hộ gia đình đánh giá là có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc, số chiếm nhiều nhất với gần 40%. Gần 24% hộ gia đình đánh giá do chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng. 22,3% hộ gia đình cho biết do giá bán các sản phẩm từ sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong bảy tháng năm 2023, có đến 30,4% hộ gia đình cho biết đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

5,5% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu. Ảnh: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước.

Giá lương thực, thực phẩm, giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7 tăng.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chính trong rổ hàng CPI có 10 nhóm hàng tăng giá.

Theo đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (gồm đồ dùng và dịch vụ phục vụ cá nhân, dịch vụ về hiếu, hỉ, bảo hiểm giao thông)… có chỉ số giá tăng cao nhất 2,84%. Trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ vệ sinh môi trường tăng nhiều nhất 2,86%.

Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giá tăng 0,63% (lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình). Trong đó, giá thực phẩm tăng 0,79% chủ yếu do giá thịt heo tăng bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa du lịch.

Giá nhóm lương thực tăng 0,31%, trong đó gạo tẻ thường, gạo tẻ ngon, gạo nếp đều tăng giá. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá mỳ, phở, cháo ăn liền, bún… cũng tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá tăng cao thứ ba với mức 0,51% do giá điện, nước sinh hoạt tăng.

Tính chung bảy tháng năm 2023 CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân chính chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất 7,61% khi một số địa phương tăng học phí từ tháng 9-2022.

Chỉ số giá vé máy bay tăng 67,87%, giá vé tàu hỏa tăng 31,34%... do nhu cầu đi du lịch trong dịp lễ, dịp hè của người dân tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; giá thuê nhà ở tăng cao.

Giá điện sinh hoạt tăng 3,79% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện từ ngày 4-5.

Bình quân bảy tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm