4 câu hỏi then chốt về tương lai Afghanistan sau khi Mỹ rút quân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù chiến dịch rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan đã hoàn tất vào cuối ngày 30-8, nhiều câu hỏi về tương lai của quốc gia Nam Á này - nơi chính quyền được Liên Hợp Quốc công nhận đã sụp đổ - vẫn còn bỏ ngỏ. Tạp chí Foreign Policy (FP) hôm 2-9 đã nêu ra bốn câu hỏi then chốt có thể phác họa hình ảnh Afghanistan khi không còn sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Chính quyền mới của Afghanistan sẽ ra sao?

Không lâu sau khi Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul hôm 15-8, ông Ashraf Ghani đã tuyên bố từ chức Tổng thống Afghanistan và rời khỏi đất nước. Trong hơn nửa tháng qua, Taliban vẫn đang nỗ lực xây dựng một chính phủ mà lực lượng này tuyên bố là “bao trùm”, gồm cả những người không là thành viên nhóm này.

Theo FP, thành phần lãnh đạo trong chính phủ mới - như người phát ngôn Taliban, ông Zabiullah Mujahid nói là sẽ được công bố trong ngày 4-9 - là chỉ dấu đầu tiên về cách lực lượng này sẽ điều hành đất nước và thể hiện mình trước toàn thế giới, cũng như quyết định việc các nước có công nhận quyền lãnh đạo của Taliban hay không. 

Ông Mullah Baradar (đi đầu) và các lãnh đạo khác của Taliban trong hội nghị hòa bình Afghanistan tại Nga hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Ngày 3-9, một số nguồn tin nội bộ Taliban cho biết ông Mullah Baradar, một trong những thành viên sáng lập và hiện là phó thủ lĩnh lực lượng này, sẽ là lãnh đạo chính phủ mới, theo hãng tin Reuters. Hai lãnh đạo khác của Taliban cũng tham gia chính phủ mới là người đứng đầu Văn phòng Chính trị Taliban tại Qatar, ông Sher Mohammad Abbas Stanekzai và ông Mullah Mohammad Yaqoob - con trai của một đồng sáng lập Taliban khác tên Mullah Omar.

Cũng theo Reuters, một nguồn tin thân cận với Taliban cho biết chính phủ lâm thời sẽ được lập ra với 25 ghế bộ trưởng và một hội đồng tham vấn gồm 12 lãnh đạo tôn giáo, hoàn toàn chỉ bao gồm các thủ lĩnh Taliban - trái ngược với lời cam kết ban đầu.

FP còn chỉ ra vấn đề nhạy cảm là một số lãnh đạo Taliban liên quan tới các vụ tấn công cực đoan đẫm máu trong quá khứ. Điển hình là ông Khalil Haqqani thuộc nhóm Haqqani - một nhánh của Taliban liên quan tới hàng loạt vụ tấn công gây thương vong lớn ở Afghanistan - được cho là tham gia chính phủ mới.

Một câu hỏi khác mà FP đặt ra là dù Taliban có cho phép phụ nữ và những lãnh đạo không thuộc Taliban tham gia chính phủ mới thì quyền lực thực tế mà nhóm quan chức này có được sẽ ở mức nào.

Người dân Afghanistan sẽ được hỗ trợ nhân đạo như thế nào?

Afghanistan đang đối mặt tình trạng khủng hoảng kinh tế do hạn hán, bất ổn, sự gián đoạn mạng lưới kinh tế… Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn với các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Taliban, trong khi lực lượng này bị cho là thiếu kinh nghiệm chính sách để giải quyết các cuộc khủng hoảng như vậy.

Nếu vấn đề không nhanh chóng được giải quyết, Taliban sẽ gặp thách thức lớn trong việc duy trì, củng cố quyền lực. Sự chống đối có thể dẫn tới bạo loạn - điều thực sự đã diễn ra trong hơn nửa tháng qua, trong khi bất ổn xã hội và căng thẳng kinh tế có thể kéo theo làn sóng người tị nạn mới. Do đó, hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế là hết sức quan trọng, FP nhận định.

Chính phủ ở Kabul vẫn có thể dùng tới 10 tỉ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan, song Mỹ và các nước đang phong tỏa khoản tiền này như một cách gây áp lực, đòi hỏi Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ và các chuẩn mực được quốc tế công nhận. Washington chưa có kế hoạch nới lỏng trừng phạt hay lệnh phong tỏa tài sản để Taliban tiếp cận khoản tiền trên, theo Reuters.

Một tín hiệu tốt là chính quyền Washington đã cho phép các thực thể Mỹ và đồng minh trực tiếp hỗ trợ nhân đạo người dân Afghanistan, không thông qua Taliban. Còn Taliban cũng không cản trở những hỗ trợ này, nhiều khả năng để giảm bớt những vấn đề trong quá trình thuyết phục cộng đồng quốc tế công nhận quyền lãnh đạo của lực lượng này tại Afghanistan.

Dù vậy, các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, ngay cả Trung Quốc - quốc gia láng giềng đã tích cực liên lạc với Taliban từ khi chính quyền Kabul chưa sụp đổ, cũng không đồng nghĩa với sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với Taliban.

Làm sao Mỹ tiếp tục chống khủng bố tại Afghanistan?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch theo dõi nguy cơ khủng bố tại Afghanistan mà không khởi động các hoạt động trên mặt đất, chỉ tiến hành không kích khi cần thiết. Nhưng vì không có thỏa thuận nào để đặt các căn cứ quân sự Mỹ tại các nước chung biên giới với Afghanistan, Washington buộc phải sử dụng các căn cứ hiện có ở Trung Đông. 

Một góc phố Kabul, Afghanistan sau vụ không kích chống khủng bố của Mỹ hôm 29-8. Ảnh: EPA-EFE

Tuy nhiên, các cuộc không kích chống khủng bố có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho dân thường. Cuộc không kích của Mỹ hôm 29-8 nhắm vào một phần tử khủng bố nghi chuẩn bị đánh bom sân bay Kabul đã làm bảy trẻ em và ba người khác, tất cả thuộc một gia đình, thiệt mạng, theo đài CNN.

Trong khi Mỹ có thể theo đuổi các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với các láng giềng của Afghanistan, các quan chức tại Washington vẫn chưa rõ ràng về mức độ sẵn sàng hợp tác với Taliban chống khủng bố.

Mục tiêu chống khủng bố của Mỹ nhiều khả năng sẽ tập trung vào Al Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hơn là các nhóm thành chiến Hồi giáo Nam Á vốn không đe dọa trực tiếp tới Mỹ.

Tuy nhiên, các nhóm thánh chiến này có thể nhận thấy chiến thắng của Taliban ở Afghanistan là động lực để tăng cường các hoạt động của riêng mình. Do đó, ngay cả khi Mỹ thành công với các mục tiêu ngắn hạn ở Afghanistan, chủ nghĩa khủng bố ở Nam Á sẽ vẫn tồn tại, thậm chí là mạnh mẽ hơn.

FP còn lo ngại rằng nếu Mỹ nhắm mục tiêu vào Al Qaeda, điều này có thể gây căng thẳng với Taliban vì quan hệ gần gũi giữa hai tổ chức Hồi giáo, bất chấp việc Taliban đã cam kết không để Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các lực lượng nước ngoài “muốn gây hại hoặc đe dọa an ninh của các nước khác”.

Phong trào chống đối của các lực lượng địa phương sẽ đi tới đâu?

Tỉnh Panjshir là địa phương duy nhất còn lại ở Taliban chưa nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban. Những ngày gần đây, giao tranh diễn ra ngày càng nghiêm trọng giữa Taliban và lực lượng dân quân do ông Ahmad Massoud - con trai của thủ lĩnh phong trào thánh chiến do Mỹ hậu thuẫn trong thời Chiến tranh Lạnh - lãnh đạo.

FP cho rằng một nhóm dân quân chỉ khoảng vài ngàn người và ít cơ hội được các nước ngoài hỗ trợ như tại Panjshir sẽ khó giành chiến thắng trong một cuộc chiến dài hơi trước Taliban.

Taliban đã tuyên bố mong muốn đàm phán để giải quyết tình hình tại Panjshir một cách hòa bình. Nếu các cuộc đàm phán thành công, một kịch bản có thể xảy ra là Panjshir được hưởng một số quyền tự trị - điều vừa được coi là một thắng lợi của lực lượng chống đối, vừa giúp Taliban tạo thiện cảm với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực địa, hai bên có vẻ khó đạt được giải pháp hòa bình trong thời gian ngắn. Một số tướng lĩnh Taliban hôm 3-9 nói với Reuters rằng lực lượng này đã kiểm soát được Panjshir. Trong khi đó, đích thân thủ lĩnh dân quân Massoud đã bác tin thất thủ. Cựu Phó Tổng thống Amrullah Saleh (dưới thời ông Ghani) - người đã tham gia lãnh đạo lực lượng chống đối - cáo buộc rằng đây là chiêu bài tuyên truyền của Taliban. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm