Nhiều ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia mong muốn các Nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật ban hành sớm ngay sau khi Luật có hiệu lực để kịp thời tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi. Những ý kiến này được nêu ra tại hội thảo “Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28-6.
Sớm đưa Luật vào cuộc sống
Từ ngày 1-8-2024, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng dự kiến có hiệu lực. Nhưng câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp bất động sản thắc mắc là tới bao giờ các Nghị định hay các Thông tư hướng dẫn sẽ được thông qua. Bộ Xây dựng cùng Bộ TN&MT với vai trò chủ trì xây dựng các Luật này và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn này sẽ có các giải pháp như thế nào để luật xuống được với cơ sở, các doanh nghiệp?
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT, cho biết đây là sự quan tâm của xã hội hiện nay. Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt để xây dựng các văn bản quy định chi tiết cũng như là hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 sớm hơn 5 tháng so với dự kiến. Quá trình xây dựng Nghị định và Thông tư đó đồng hành với quá trình xây dựng Luật.
“Khi Bộ TN&MT trình Luật Đất đai cho Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thì trong đó các dự thảo về các văn bản thi hành đã sẵn sàng, chỉ cần Chủ tịch Quốc hội công bố là chúng tôi có thể đưa vào thực hiện” - ông Nhẫn chia sẻ.
Theo ông Nhẫn, Thường trực Chính phủ cũng đã họp vào cuối tháng 5 và thống nhất cho ban hành theo quy trình rút gọn đối với các Nghị định này. Theo quy định cũ, sau khi ký Nghị định sẽ có thời gian hiệu lực sau 45 ngày, nhưng đối với các nghị định này sẽ có hiệu lực tức thời cùng với Luật Đất đai. Đối với các địa phương, hiện cũng đã báo cáo tiến độ thực hiện bao gồm Nghị quyết HĐND tỉnh và quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh để ban hành cơ chế chính sách đặc thù mà trong Luật đã quy định.
Thông tin về một số hành động cụ thể của địa phương để sẵn sàng triển khai các luật, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, cho biết từ tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tư pháp đã tham mưu cho tỉnh ra các quyết định để xây dựng các văn bản có liên quan. Khi luật có hiệu lực và những quy định nào luật giao cho cấp tỉnh ban hành mà không chờ Nghị định hướng dẫn thì tỉnh sẽ ban hành và đảm bảo có hiệu lực đồng thời.
Kế hoạch sau khi Luật ban hành, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Bộ TN&MT tổ chức hội nghị tuyên truyền với sự có mặt rộng rãi các cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các hiệp hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện nay các huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi pháp luật đất đai cho đội ngũ báo cáo viên của tỉnh, của huyện, của các sở ngành và thông qua các đội ngũ này sẽ tiếp tục tuyên truyền về pháp luật đất đai đến các đối tượng khác trong toàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng để khi Bộ TN&MT chính thức ban hành bộ thủ tục hành chính mới về pháp luật đất đai thì tỉnh sẽ cập nhật lên toàn bộ hệ thống tại tất cả các thủ tục hành chính về đất đai theo Luật Đất đai 2024.
Kỳ vọng mở nguồn cung bất động sản
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết 4 Luật trên có hiệu lực sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai. Để từ đó thúc đẩy dòng vốn và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch.
“Cùng lúc, Nhà nước cũng sửa đồng bộ 4 luật liên quan đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đất đai… thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của pháp luật và tác động trực tiếp, trực diện đến các dự án nhà ở, bất động sản, đất đai, tín dụng”- ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Tín dụng được sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật.
Các Luật này cũng tăng sự công khai, minh bạch về thông tin dự án, giúp người mua có khả năng tiếp cận nhiều hơn các thông tin sạch, nâng cao việc bảo vệ người mua, giảm rủi ro tranh chấp. Các Luật mới cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.