4 rào cản của doanh nghiệp Việt trên Amazon

(PLO)- Lãnh đạo Amazon đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-6, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling khai mạc hội nghị “TMĐT xuyên biên giới (XBG) - Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”.

Các đại biểu và chuyên gia tại hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới - Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”. Ảnh: MINH TRÚC

Các đại biểu và chuyên gia tại hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới - Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”. Ảnh: MINH TRÚC

Nhiều nhóm hàng bán tốt trên Amazon

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam (VN), chia sẻ giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) bán hàng VN trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Nhiều DN Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô.

Ông Gijae Seong cho biết đến nay các DN Việt đang kinh doanh rất tốt một số nhóm sản phẩm trên Amazon. Đó là nhóm các sản phẩm liên quan đến nhà cửa, bếp, trang trí nội ngoại thất, đồ gỗ nội thất. Ngoài ra còn có sản phẩm dệt may, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhóm sản phẩm tiêu dùng cũng bán rất chạy.

TMĐT là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ VN.

“Amazon khuyến khích DN chuyển đổi tư duy, không chỉ gia công mà còn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh bền vững hơn trên thị trường thế giới” - ông Gijae Seong thông tin.

Đại diện Amazon cũng cho hay VN đang ở giai đoạn mới trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, do vậy vẫn còn nhiều khoảng hở về chính sách cần khắc phục. Amazon đang tích cực tham chiếu môi trường kinh doanh của các quốc gia có TMĐT XBG phát triển. Đồng thời lắng nghe ý kiến của các nhà bán hàng tại VN; truyền tải tới các cơ quan Chính phủ VN để nghiên cứu và xây dựng chính sách TMĐT phù hợp, hoàn thiện, tạo thuận lợi, thúc đẩy TMĐT XBG.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings, cho biết thông qua Amazon, đơn vị đã từ một nhà sản xuất truyền thống trở thành một DN phát triển quốc tế năng động. Với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị, các công cụ đổi mới và sự hỗ trợ của đội ngũ bán hàng toàn cầu tại từng địa phương, An Phát Holdings đã có thể giới thiệu sản phẩm xanh mang thương hiệu AnEco của mình một cách hiệu quả, kết nối với khách hàng trên toàn thế giới.

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu TMĐT của VN có thể đạt hơn 296.000 tỉ đồng vào năm 2027 nếu các DN trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ. Nghiên cứu được thực hiện bằng khảo sát với 300 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại VN. Theo đó, 86% DN được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT.

Một số rào cản của DN Việt

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số VN (IDEA), cho biết TMĐT XBG đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại VN, tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ đạt trên 20%/năm. TMĐT là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ VN.

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, bà Lại Việt Anh cho biết dù ghi nhận sự tích cực nhưng thực tế hiện nay DN Việt phải đối mặt với một số thách thức, rào cản khi bán hàng trên sàn TMĐT XBG. Thứ nhất, những rào cản về quy định. Đó là những vấn đề về kỹ thuật, quy định rất khắt khe của thị trường nhập khẩu sản phẩm của chúng ta.

Thứ hai, rào cản về năng lực của DN. Điểm này đặc biệt lưu ý ở những DN nhỏ và siêu nhỏ trong việc trang bị đội ngũ chuyên nghiệp để có thể nghiên cứu, đánh giá phát triển thị trường cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Làm sao phải cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường rộng lớn toàn cầu chứ không phải là thị trường địa phương và khu vực.

Thứ ba, rào cản về chi phí. Để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu đòi hỏi DN phải bỏ ra chi phí rất lớn. Bên cạnh chi phí sản xuất, phân phối thông thường thì còn cần chi phí để đưa DN thâm nhập vào những thị trường, chi phí vận tải, chi phí thanh toán ngoại tệ…

Thứ tư, những rào cản của thông tin. Để gia nhập thị trường rộng lớn, thị trường toàn cầu, DN cần phải trang bị rất nhiều thông tin về những quy định của từng thị trường; thông tin về nhu cầu đối với sản phẩm; thông tin về những quy định, khung khổ pháp lý của thị trường đó. Trang bị được những thông tin này, DN mới có thể tham gia một cách hiệu quả và cạnh tranh cao nhất.•

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử

Chia sẻ bên lề hội thảo, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT XBG cho 10.000 DN trong năm năm (từ năm 2022 đến 2026).

Chương trình sẽ hỗ trợ DN Việt nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT XBG và trang bị cho mình những kỹ năng có thể bán hàng một cách hiệu quả trước những nền tảng thương mại toàn cầu. Trong đó, DN có thể đưa được sản phẩm của mình tiếp cận với những thị trường tiềm năng, kể cả những thị trường chưa được khai phá.

Trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số đã đào tạo 1.300 lượt DN, chín lớp của các địa phương theo ngành hàng cụ thể và phân theo vùng trọng điểm kinh tế. Điều này được kỳ vọng có thể đưa được một nhóm DN cụ thể lên những nền tảng TMĐT như Amazon. Qua đó có thể bán hàng đến các thị trường truyền thống và sau đó mở rộng sang các thị trường tiềm năng trên nền TMĐT toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm