Lan kể lại giọng nhẹ bẫng, chuyện mình bị chính người bạn thân bán sang Trung Quốc với giá 75 triệu đồng.
Cả buổi trò chuyện, Lan không một lần rơi nước mắt, có chăng khi kể lại quãng thời gian bi đát nhất cô im lặng chốc lát, ngẩng mặt lên trời… rồi lại kế tiếp bằng chất giọng tếu tếu của mình.
“Không chọn chồng sẽ bị đưa lên núi giết”
Chơi thân với nhau cũng gần 10 năm trời, có nằm mơ Lan cũng không nghĩ rằng một ngày cô bị chính người bạn thân lừa bán.
Có nằm mơ cô cũng không nghĩ một ngày bị chính bạn thân lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.
“Tầm một tháng không thấy bạn liên lạc, hỏi thăm nó bảo: không chơi với mày được nữa đâu, tao đi lấy chồng rồi. Tuần nữa cưới tao, lấy chồng sướng muốn chết. Qua đi đám cưới tao, má tao cũng đi đó, rồi kiếm coi bên này có công việc nào ngon ngon ở làm. Bạn gọi về bảo vậy. Lúc đấy chỉ nghĩ đi độ tuần đám cưới xong rồi về, đâu nghĩ nó bán luôn mình”, Lan nhớ lại.
Người mẹ cô ta đưa Lan đến Thành phố Nam Ninh rồi đi mất. Thời điểm đó gần Tết, tuyết rơi nhiều rất lạnh, họ đưa cô tới một vùng mỏ than nghèo cách xa thành phố, dắt cô đi qua những ngôi nhà, buộc cô phải chọn một người đàn ông trong những ngôi nhà đó làm chồng. Nếu không chọn sẽ bị đưa lên núi giết.
Tặc lưỡi, đành chịu. Lan chọn một ngôi nhà mà xem qua “sau này có thể trốn được”. Chồng Lan hiền, nói đúng hơn là hơi ngờ nghệch, ‘ngáo ngáo’, hơn cô tầm 5, 6 tuổi, đi làm than từ bốn giờ sáng đến tối mịt, chỉ có một bên tai và…không biết làm chồng.
“Lấy được mấy bữa, bà lại gần ổng nói gì đó, rồi tối đó bà xộc thẳng vào phòng, đè em ra cởi đồ bắt ngủ với con bả. Em không chịu, bả uýnh, bả bự con, bà uýnh đau lắm, bả tát, bả nhéo. Mấy bữa sau, nghe tiếng bước chân uỵch uỵch biết ngay là bả, em bóp miệng, bóp mũi ông chồng không cho la. Bà nhòm vô thấy mình đè con bả rồi, bả ưng, đóng cửa đi ra”, Lan cười.
Nhà chồng không ăn cơm, chỉ ăn kê nấu với bánh bao. Người ta nói gì Lan cũng chẳng hiểu. Ban ngày Lan ở nhà với "mẹ chồng", đi ra bà đóng cửa, đi vào bà khóa cửa vì sợ cô bỏ trốn. Nhiệm vụ duy nhất của Lan là sinh con sinh cháu cho nhà người ta, còn sau đó thì… không cần biết.
Nếu bị bắt về sẽ bị đánh chết
Giấc mơ trở về quê nhà ám ảnh cô gái trẻ trong từng giấc ngủ. Gần 4 tháng sau, cơ hội đến. Cô và một người bạn đồng cảnh quyết định bỏ trốn.
Những đồng tiền dần cạn. Nhưng phải trốn về Việt Nam bằng được nếu bị bắt về sẽ đánh đập thậm chí là bị giết.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) chia sẻ kinh nghiệm khi điều tra, đưa tin về đề tài nạn buôn bán người. Ảnh: N.T
“May mắn, tôi được rất nhiều người giúp đỡ. Đến lúc về tới biên giới, tôi nhớ xung quanh đó toàn là núi đồi, chỉ còn cách Việt Nam một con sông. Tôi nhìn thấy bên kia sông có tẩm bảng ghi chữ Hạ Vàng to lắm. Tôi chờ thuyền, chờ hoài nhưng mãi vẫn không thấy. Tôi quyết định lội bộ qua, nước ấm và không quá sâu, có thể nhìn thấy đá dưới lòng sông nên làm liều. Tôi rất sợ, ở đó vắng vẻ, tôi nghe mọi người kể có những cô gái bị kẻ xấu thấy bắt bán lại”.
Chỉ cần qua được con sông này tôi về tới Việt Nam rồi, buộc chặt vài bộ quần áo trên tay nải đã bạc màu, nhàu nhĩ, Lan cắm đầu lội. Đôi bàn chân bị đá găm nứt toác, người ngâm nước ướt sũng nhưng giây phút đặt chân tới bờ bên kia sông, Lan vỡ òa. Cô biết mình sống rồi.
Lan đã trở về nhà. Người mẹ cô bạn thân và đồng bọn đã phải trả giá cho tội lỗi của mình, cái ác phải đền tội.
Năm tháng trôi qua, cô gái trẻ năm nào giờ đã vượt qua nỗi đau trở thành một tuyên truyền viên năng nổ của nhóm Tự lực. Các thành viên trong nhóm là những nạn nhân của bọn buôn người, trở về quê nhà khi đã sức cùng lực kiệt, họ động viên giúp đỡ nhau cùng vươn lên, làm lại cuộc đời.
Nhưng chợt nghĩ: ngoài kia, còn bao nhiêu cô gái nữa chưa được trở về nhà?
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, đưa tin về nạn buôn bán người Lan trong câu chuyện nói trên là một trong hai khách mời đã đến tham dự, chia sẻ trong buổi học “Đưa tin về nạn buôn bán người qua biên giới” do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện báo chí Thụy Điển (Fojo) tổ chức chiều 16-5.
Từ 14-5 đến 18-5, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện báo chí Thụy Điển (Fojo) tổ chức lớp học “Đưa tin về nạn buôn bán người qua biên giới”. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- Trưởng ban Điều tra Báo Lao động, cây bút phóng sự với hàng loạt tác phẩm điều tra chấn động dư luận trực tiếp giảng dạy. Tham dự còn có các chuyên gia khách mời đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế. |
*Tên nhân vật đã thay đổi.