Ngày 17-7, trong buổi lễ kỷ niệm năm năm ngày xảy ra vụ việc, các người thân của những nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH-17 của Malaysia Airlines đã kêu gọi cho những người chịu trách nhiệm của vụ việc này phải được đưa ra công lý.
Buổi lễ tại Hà Lan nhằm tưởng niệm năm năm ngày chuyến bay MH-17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi. Ảnh: REUTERS
Nhắc lại ngày 17-7-2014, chuyến bay của Malaysia Airlines đang trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì bị một tên lửa phòng không BUK bắn trúng tại miền Đông Ukraine lúc 4 giờ 20 chiều.
Các chuyên gia từ Đội điều tra hợp tác quốc tế (JIT) do Hà Lan dẫn đầu đã kết luận rằng tên lửa được bắn lên từ vùng Donbass ở Ukraine.
Cô Nur Diyana Yazeera, có mẹ Dora Shahila Kassim là thành viên của phi hành đoàn MH-17, cho biết hy vọng rằng chính quyền sẽ tiếp tục tìm kiếm công lý cho các gia đình.
"Nếu chúng tôi không tiếp tục đòi công lý thì chúng tôi không thể đưa những nghi phạm, những người này phải bị buộc tội vì sự cố trên", cô nói trong một buổi lễ tưởng niệm cũng diễn ra ở Kuala Lumpur.
Hành trình tố tụng bắt đầu năm 2020
Ngày 9-3-2020, tại Hà Lan sẽ bắt đầu các thủ tục tố tụng tại tòa án. Hà Lan là quốc gia có đa số nạn nhân thiệt mạng trong chuyến bay xấu số này, và chính quyền nước này cũng đang dẫn đầu cuộc điều tra.
Thông tin chính thức nói rằng vụ kiện đã được đệ trình tại tòa án The Hague.
Tuy nhiên, phiên điều trần chính thức sẽ diễn ra tại Khu liên hiệp Tư pháp ở Schiphol, gần Amsterdam và gần sân bay nơi MH17 khởi hành.
Địa điểm MH-17 bị bắn rơi sau năm năm. Ảnh: REUTERS
Không có tòa án quốc tế cho vụ kiện
Trước đó, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Hà Lan và Úc đã kêu gọi một tòa án quốc tế chủ trì vụ kiện MH17.
Thế nhưng, Nga, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, lên tiếng phủ quyết nghị quyết lập tòa quốc tế.
Do đó, các quốc gia nạn nhân trong vụ việc đã quyết định việc tố tụng hình sự ở Hà Lan.
Điều này có nghĩa là ngôn ngữ được sử dụng trong phiên tòa sẽ là tiếng Hà Lan. Tuy nhiên, các thẩm phán cũng có thể tổ chức một số phiên điều trần bằng tiếng Anh.
Chính quyền Hà Lan cũng đã quyết định cho phép phát sóng trực tiếp phiên điều trần và những người làm chứng có thể trả lời qua cuộc gọi video.
Ai sẽ hầu tòa?
Cho đến nay, các nhà điều tra đã xác định được bốn nghi phạm, ba người Nga và một người Ukraine.
Đài DW dẫn thông tin trong đó có cựu đại tá Igor Girkin (mật danh "Strelkov”) thuộc Tổng cục an ninh Liên bang Nga.
Nghi phạm tiếp theo là Serge Dubinskiy được cơ quan tình báo quân sự (GRU) của Nga thuê và cựu quân nhân Oleg Pulatov của lực lượng đặc nhiệm Nga.
Nghi phạm thứ tư là Leonid Kharchenko, quốc tịch Ukraine, là người phụ trách một đơn vị chiến đấu ở Donetsk.
Các nghi phạm được cho là liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH-17. Ảnh: TASS
Tuy nhiên, tất cả đều bác bỏ mọi cáo buộc tội lỗi.
Theo JIT, nhiều nghi phạm khác sẽ được công khai vào cuối năm nay, bao gồm bốn người tài xế đã vận chuyển hệ thống tên lửa qua biên giới Nga-Ukraine và bắt giữ một người được cho là chỉ huy của Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Nga.
Liệu có đủ bằng chứng?
Theo JIT, có nhiều nhân chứng của vụ phóng tên lửa và tàn tích đã được xác định trong đống đổ nát.
Ngoài ra còn có hình ảnh vệ tinh và dữ liệu radar, kèm theo hình ảnh và đoạn video cho thấy việc vận chuyển hệ thống tên lửa của Nga đến địa điểm trước khi được phóng lên. Thêm vào đó, các bản ghi âm các cuộc điện thoại ngắt quãng giữa các nghi phạm.
Phía Hà Lan tin rằng sẽ chứng minh sự liên quan của Nga.
Nhưng luật sư và chuyên gia luật hàng không Đức, Elmar Giemulla, cho rằng các bằng chứng vẫn còn "yếu". Theo ông Giemulla, việc sử dụng các bản ghi âm điện thoại để truy tố là có vấn đề vì rất khó để chứng minh rằng giọng nói trong các bản ghi âm là của nghi phạm.
Vai trò của Ukraine là gì?
Luật sư Giemulla, cũng là đại diện của gia đình bốn nạn nhân người Đức, đứng đơn kiện Ukraine trước Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) tại Strasbourg (Pháp).
Các gia đình nói rằng chính quyền Ukraine gián tiếp chịu trách nhiệm trong cái chết của các hành khách, cáo buộc Kiev không làm đủ trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho những người trên máy bay. Nếu chính phủ đóng cửa không phận trên khu vực xung đột ở miền đông Ukraine, có lẽ sẽ không xảy ra vụ tai nạn trên.
Cho đến nay tòa án Nhân quyền tại Strasbourg vẫn chưa xác nhận một cuộc điều tra về vụ kện mà nêu rõ đơn kiện đang được xử lý một cách "bảo mật".
Ukraine từ chối mọi trách nhiệm về số phận của MH17.
Còn những hành động pháp lý nào phải chờ?
DW nói rằng Nga phải trả lời vào đầu mùa thu năm nay về hai vụ kiện tập thể lên tòa án ECHR.
Các nguyên đơn cáo buộc Nga vi phạm quyền sống của nạn nhân và nói rằng chính quyền Nga không làm đủ điều tra các tình tiết của tội phạm.
Điện Kremlin tiếp tục phủ nhận mọi liên quan đến thảm kịch này.
Danh sách những người thiệt mạng trong vụ bắn rơi máy bay MH-17. Ảnh: NDTV
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hồi tháng 6-2019 đã đặt câu hỏi về tính khách quan của các nhà điều tra. Ông nói rằng Nga đang bị coi là "vật tế thần" trong vụ bắn hạ máy bay MH-17.
Tuy nhiên, ngày 17-7, Malaysia cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với nhóm để theo đuổi những người có trách nhiệm.