Khoảng 11 giờ ngày 12-1, tại Công ty CP Foodtech Chi nhánh Phú Yên đóng ở KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa (Phú Yên) xảy ra một vụ ngạt khí hầm nước mắm làm một chuyên gia người Thái Lan và bốn công nhân người Việt thiệt mạng.
Theo thông tin ban đầu, tại thời điểm trên, anh Huỳnh Văn Nê (ngụ thị trấn Hòa Hiệp Trung) xuống hầm mắm lấy mẫu thì bị ngạt khí rơi xuống hầm, không lên được.
Thấy anh Nê gặp nạn, những công nhân cùng làm việc tưởng anh bị điện giật nên cúp cầu dao điện rồi xuống cứu anh Nê. Tuy nhiên, cả bốn người xuống sau đều không trở lên, trong đó có ông Siriphong Phiuphu Khieo (chuyên gia người Thái Lan, sinh năm 1970).
Các công nhân khác đã phá cửa hầm xuống cứu những người gặp nạn. Khi được vớt lên, bốn nạn nhân đã tử vong, một người được chở đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. “Mọi người tưởng anh bị điện giật nên vội cúp cầu dao điện rồi lao xuống cứu. Khi mọi người không trở lên, ai cũng hoảng sợ nên không dám xuống nữa mà hô hoán phá hầm cứu người… Hầm mắm này thường ngày vẫn có người xuống lấy mẫu, không hiểu sao hôm nay lại bị như vậy” - anh H., một công nhân chứng kiến sự việc, cho hay.
Tại hiện trường, người nhà các nạn nhân và hàng trăm người dân đứng chật kín cổng Công ty CP Foodtech. Nhiều người vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra với người thân của họ.
Công an đến hiện trường điều tra vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Y.NAM
Người thân bàng hoàng trước cái chết của các nạn nhân. Ảnh: Y.NAM
Chị Hương, người nhà một nạn nhân, với đôi mắt hoe đỏ cứ lẩm bẩm: “Còn mấy ngày nữa là đến tết rồi mà. Nó còn trẻ quá, sao lại chết?”.
Theo ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Công ty CP Foodtech chuyên chế biến thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, đã mở nhà máy tại KCN Hòa Hiệp nhiều năm nay. Khu vực xảy ra tai nạn là hầm nước hấp cá, được đơn vị tận dụng để chế biến nước mắm. “Sau khi xảy ra sự việc, ban quản lý khu kinh tế đã phối hợp với chính quyền, Liên đoàn Lao động tỉnh và công ty thăm hỏi, hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng 45 triệu đồng. Công ty cũng sẽ lo hậu sự cho các nạn nhân” - ông Thành cho biết.
Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch huyện Đông Hòa, cho biết thêm ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để điều tra vụ tai nạn thương tâm này. Chính quyền, đoàn thể và công ty sẽ hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân vì ngày tết đã gần kề…
Làm gì khi xuống hầm cá? Theo một bác sĩ, những hầm cá thường chứa khí H2S, CO2, SO2, NO2, CH4… và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu ôxy. Người xuống hầm cá sẽ không có ôxy để thở, lại hít phải các loại khí độc dẫn đến ngộ độc cấp tính, kích thích hô hấp thở nhanh hơn, sau đó thở chậm dần và lịm đi. Trước khi xuống hầm cá, mọi người cần khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc theo các bước đơn giản sau: Đốt một ngọn đèn đưa xuống trước, nếu đèn cháy yếu hay tắt thì không xuống. Lúc này phải làm cho khí độc thoát ra khỏi hầm. Có thể sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá. Người xuống hầm cá phải có dây an toàn và ít nhất có một người ở trên quan sát, theo dõi. Nếu thấy dấu hiệu ngạt thở, kéo lên ngay, hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Người xuống hầm để cứu nạn nhân phải mang bình dưỡng khí. Ngoài hầm cá thì các hầm mỏ, hố sâu, giếng đào, bể kín... cũng hay tích tụ khí độc, thiếu ôxy và cách xử lý cũng tương tự như vào hầm cá. |