9 quân nhân trên CASA 212 đã hy sinh

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM chiều tối 24-6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết tin buồn: “Chín quân nhân trên chuyến bay CASA 212 gặp nạn vào trưa 16-6 đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Qua giám định của lực lượng pháp y quân đội, toàn bộ thi thể vớt được đều là thành viên của phi hành đoàn CASA”.

Khẩn trương giải quyết chính sách

Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Bộ Quốc phòng đã đủ căn cứ xác định hai máy bay Su-30 và CASA bị rơi. Bộ Quốc phòng tiếp tục chủ trì tìm kiếm các phần còn lại của hai chiếc máy bay, trong đó có hộp đen, đồng thời khẩn trương giải quyết chính sách cho các gia đình của phi công hy sinh…

Bước đầu, theo lời kể của phi công Nguyễn Hữu Cường, chiếc Su-30 gặp sự cố trong buồng lái nên phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Về chiếc CASA, ông Tuấn cho hay trong điều kiện thời tiết không tốt, máy bay bay ở độ cao thấp và gặp tai nạn. CASA rơi cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 5 km và cách đảo Bạch Long Vĩ 30 km.

Trước đó, vào sáng 24-6, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một thi thể đang trôi dạt trên biển. Đến khoảng 8 giờ 45 cùng ngày phát hiện thêm một thi thể gần khu vực tìm thấy động cơ máy bay CASA. Như vậy, quanh khu vực máy bay CASA gặp nạn, đến nay đã tìm thấy bốn thi thể.

Chiều 24-6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thông báo tin buồn. Ảnh: TTXVN

Nỗi đau nghẹn lòng

Ngày 24-6, chúng tôi có mặt tại nhà Trung úy Nguyễn Bá Thế (một trong chín thành viên trên máy bay CASA 212, công tác tại Lữ đoàn 918 Phòng không - Không quân) ở xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng). Chị Đào Thị Tuyết (vợ anh Thế) ngước mắt nhìn xa xăm. Ai cũng lặng lẽ, trừ tiếng khóc quấy đòi bế của bé gái bảy tháng tuổi, con gái thứ hai của chị Tuyết và anh Thế.

Trước đó, trong giờ trưa, cả nhà chị Tuyết mở tivi xem thông tin thời sự. Bé Nguyễn Thị Linh, con gái anh chị, đọc vanh vách những dòng chữ chạy trên màn hình tivi về CASA 212. Khi được thông báo chính thức tìm thấy thêm hai thi thể ở khu vực tìm kiếm máy bay rơi, chị Tuyết đưa ánh mắt về phía tôi khiến tim tôi như nghẹt lại. Chị bế đứa con thơ bảy tháng tuổi, lấy tay quẹt khóe mắt.

“Em không thể lên đơn vị anh ấy bây giờ được. Bố chồng em mất rồi, giờ mẹ chồng em ở Thái Bình đang ốm. Đơn vị anh Thế phải cử người đến chăm sóc bà. Em ở đây, xoay xở với hai đứa nhỏ nhưng mấy hôm nay cơm nước cho ba mẹ con em cũng không lo được. Bà ngoại và những người hàng xóm, hội phụ nữ đến giúp gia đình em. Em không biết mình phải làm gì” - chị Tuyết tâm sự.

Rồi chị Tuyết chan nước canh, ngồi vừa ăn cơm trưa vừa nghẹn. Bỗng chị gục xuống, bé Nguyễn Thị Linh lo lắng bóp trán cho mẹ. Rồi cháu băn khoăn hỏi tôi: “Cô ơi, có phải cô là người đưa tin về bố cháu không?”. Tôi gật đầu. Cháu ngập ngừng: “Liệu bố cháu có về được không?”. Tôi không biết trả lời cháu như thế nào...

Theo người nhà chị Tuyết, chiều 24-6, cơ quan chức năng đã đến lấy máu của cháu Linh để mang đi đối chiếu ADN rồi về quê anh Thế để làm các thủ tục cần thiết.

Con vẫn nhắc, mong bố về

Còn chị Nguyễn Thị Thắm, vợ Đại úy Lê Văn Đình (thành viên trên máy bay CASA 212), khi gặp chúng tôi, đang ôm hai con nhỏ (con gái lớn hai tuổi và con trai út mới chỉ ba tháng tuổi) chờ đợi mỏi mòn tin chồng. Hai anh chị đã ấp ủ dự định sau chuyến bay này của anh cả nhà sẽ chuyển về căn hộ chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) mới mua để ở. Thế nhưng…

Gia đình Đại úy Lê Văn Đình hiện mỗi người một nơi. Anh Đình còn bà nội. Mọi người vẫn không nói với bà và cô con gái nhỏ hai tuổi của anh về tai nạn máy bay. Mỗi lần nhớ bố, cháu vẫn nhắc và mong bố về.

Gia đình anh Đình rất tự hào về anh. Những hình ảnh của anh trong những chuyến bay, những lần công tác đều được gia đình lưu giữ cẩn thận. Năm 2014, Đại úy Đình trực tiếp tham gia cùng đoàn bay tìm kiếm chiếc máy bay MH370 chở 239 hành khách của Malaysia Airlines. Người bác ruột của anh cho biết mọi người lúc nào cũng nhớ về những kỷ niệm đó...

Ông Lê Minh Điều, bố anh Đình, cho biết mấy ngày qua ông túc trực tại Lữ đoàn 918 để chờ tin con trai. “Cứ chiều chiều tôi lại nhớ con. Ngoài gia đình tôi còn có thêm các gia đình khác nữa đợi tin. Ở trên lữ đoàn mấy ngày trời, tâm trạng chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi cập nhật thông tin từ đài, báo và cơ quan của Đình. Bây giờ, kết quả có thế nào thì gia đình cũng chấp nhận vì biết con trai mình đã phục vụ hết mình cho Tổ quốc” - ông nghẹn ngào nói.

Luôn tự hào về Thiếu tá Nguyễn Văn Chính

Trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 ở xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), mấy ngày nay, bố mẹ Thiếu tá Nguyễn Văn Chính cùng người thân trong gia đình nóng lòng ngóng chờ thông tin. Biết chuyện của anh Chính, hàng xóm cũng rủ nhau tới nhà động viên, chia sẻ với cha mẹ anh.

Chị Nguyễn Thị Thịnh - em gái anh Chính bật khóc khi nói về anh trai. “Hôm nghe tin anh gặp nạn, cả gia đình tôi thực sự rất sốc. Do cha mẹ đều đã tuổi cao, sức yếu nên mọi người cố giấu kín chuyện để chờ thông tin báo về. Thế nhưng khi xem tivi và biết chuyện, bố mẹ tôi cứ hỏi anh ấy suốt. Thương bố mẹ quá, anh em tôi quyết định nói ra sự thực chuyện anh mất tích cùng đồng đội trên biển”.

Anh Chính là con thứ hai trong gia đình có ba anh em trai. Anh vốn mơ ước được lái máy bay từ nhỏ. Ngay khi học xong cấp 3, có đợt tuyển phi công nên anh lập tức đăng ký. Anh lập gia đình đã 10 năm, hiện có hai con gái, bé nhỏ hiện đã năm tuổi. Dù công việc bận rộn nhưng cứ 1-2 tháng anh lại về quê thăm cha mẹ và anh em trong nhà một lần.

“Lần gần nhất anh ấy về thăm nhà là cách đây khoảng một tháng. Lần nào về anh em chúng tôi cũng nói chuyện vui vẻ, động viên nhau. Nghe tin anh gặp nạn trong lúc làm nhiệm vụ mà quá xót xa. Giờ gia đình chỉ biết ngồi chờ tin chính thức” - chị Thịnh nói.

Từ lúc nghe hung tin về con trai, bà Khống Thị Sính (67 tuổi) bị sốc nặng, mấy ngày nay bà đều nằm lì trên giường chờ tin con; ông Nguyễn Văn Chiến (70 tuổi) buồn rầu không nói nên lời, ông cứ lầm lũi đi ra rồi lại đi vào. Hiện ông bị bệnh cao huyết áp, còn bà bị bệnh tim. Mấy ngày nay trong nhà lúc nào cũng phải có người túc trực vì sợ hai ông bà không chịu được cú sốc. Đồng đội, đơn vị nơi anh công tác đã nhiều lần về tận gia đình để động viên, chia sẻ.

“Mấy ngày rồi tôi không dám mở tivi, mỗi lần thấy hình ảnh sóng biển, vợ chồng tôi lại sốc và nghĩ đến con” - cha anh Chính nói.

Đau xót nhưng ông Chiến vẫn luôn tự hào khi kể về con mình. “Tôi cũng từng một thời chiến đấu, dù đau lòng lắm nhưng con cũng vì phục vụ đất nước. Tôi tin tưởng Nhà nước và quân đội sẽ nỗ lực tìm kiếm được con trai của mình” - ông tâm sự...

TUYẾN PHAN

Quyết liệt cứu nạn

Ngày 24-6, Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đã chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn trên tàu HQ 926 tiến hành trục vớt được động cơ, cánh quạt, đuôi và một phần thân máy bay CASA 212. Trong quá trình tham gia trục vớt, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thêm một số thi thể trong phi hành đoàn. Các thi thể đang chuyển về tàu BV HQ 561 để tiếp nhận và làm các thủ tục cần thiết nhằm xác định danh tính...

• Các lãnh đạo, địa phương động viên, chia sẻ

Ông Đỗ Văn Hiện, Phó Chủ tịch xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng), cho biết: “Chiều 23-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến gia đình anh Thế (Trung úy Nguyễn Bá Thế) thăm hỏi, động viên và tặng quà cho vợ, con anh. Mấy ngày qua, xã liên tục cử người đến nhà anh Thế để thăm hỏi, giúp đỡ gia đình. Nhiều đoàn công tác trung ương, TP Hải Phòng và huyện An Dương cũng đến động viên và chia sẻ với gia đình anh Thế.

• Phi công Nguyễn Hữu Cường mong tiếp tục bay

Sáng 24-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tới thăm hỏi sức khỏe phi công, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 923 (một trong hai phi công trên máy bay Su-30MK2), đang được điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108.

Anh Cường hy vọng mình sẽ nhanh phục hồi sức khỏe và có thể bay tiếp. Các bác sĩ xác định sức khỏe anh Cường đang bình phục tốt.

• Vớt được nhiều mảnh vỡ của Su-30MK2

Ngày 24-6, lực lượng đặc công tiếp tục lặn, vớt được nhiều mảnh vỡ của máy bay Su-30MK2 trên vùng biển Nghệ An, cách phía đông bắc đảo Mắt khoảng năm hải lý.

Các mảnh vỡ như bánh, lốp, vi mạch điện tử, thân máy bay, buồng lái... đã được tàu hải quân chuyển về đất liền cho các chuyên gia xem xét, nghiên cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm