Hành khách qua các cảng hàng không tăng cao, đạt hơn 100 triệu khách/năm. Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhà khai thác, quản lý 22 sân bay, cảng hàng không đánh giá: Thị trường vận tải hàng không Việt Nam có nhiều tiềm năng để phục hồi tốt, đáng chú ý thị trường quốc tế lớn như Nhật, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Úc, Ấn Độ đang mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Dồn lực cho sân bay cửa ngõ quốc tế
Hàng không phục hồi tốt, đã mang về dòng tiền lớn cho ACV trong nhiều năm qua. Dự kiến trong năm 2024, tổng doanh thu của ACV đạt 20.325 tỉ đồng. Với nguồn thu lớn, trong năm 2024, ông lớn ngành hàng không tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành như: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3; nhà ga T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng HKQT Nội Bài. Tổng mức đầu tư ba dự án trọng điểm quốc gia, sân bay cửa ngõ quốc tế này khoảng 50.000 tỉ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, cuối tháng 5 vừa rồi, ACV dự báo, trong năm 2024, sẽ phục vụ khoảng 103 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế dự báo sẽ tăng 22% với hơn 30 triệu lượt.
Để phục vụ lượng khách tăng trong thời gian tới, ACV cho biết trong năm 2024, sẽ tập trung nguồn lực để cải tạo, mở rộng sân đỗ, nhà ga có lượng khách thông qua đông đúc, nhằm giảm tình trạng quá tải tại các nhà ga hiện hành. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ đồng bộ, hiện đại tại nhà ga.
Đáng chú ý, việc tập trung nguồn lực mở rộng nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất và dự án mở rộng nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng HKQT Nội Bài, nhằm giảm tình trạng quá tải trước mắt và khai thác lâu dài. Đây là hai cảng hàng không cửa ngõ có lượng khách nội địa và quốc tế thông qua lớn nhất cả nước, góp phần tăng công suất khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Ông Bùi Anh Tiến, Trưởng phòng Xây dựng Ban quản lý dự án nhà ga T3, chia sẻ với PLO, hiện các nhà thầu đang gấp rút lắp dựng kết cấu mái nhà ga. "Các mũi thi công phấn đấu vượt tiến độ hai tháng, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga T3 đúng ngày 30-4-2025 nhằm chào mừng kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 và 30-4-2025)", ông Tiến nêu quyết tâm.
Với Cảng HKQT Long Thành (Đồng Nai), công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến đưa vào khai thác năm 2026, góp phần chia lửa, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Như vậy, tại khu vực Đông Nam Bộ, cụm cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Long Thành và Biên Hòa, sẽ trở thành cụm cảng hàng không quốc tế, có công suất khai thác lớn, cửa ngõ trung chuyển hàng không, logistic tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Mở rộng đường băng, sân đỗ sân bay địa phương
Song song đó, ông lớn hàng không cũng triển khai đồng loạt mở rộng nhà, sân đỗ sân bay các địa phương. Trao đổi với PV, Giám đốc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện đang chuẩn bị các công đoạn để chuẩn bị khởi công nhà ga T2 và bốn vị trí sân đỗ, dự kiến trong quý III-2024 và đưa vào khai thác quý I-2026. Tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Theo quy hoạch của Bộ GTVT đến năm 2023, sân bay Đồng Hới đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 công suất tăng lên 5 triệu hành khách mỗi năm. “Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 là phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển sân bay Đồng Hới trong tương lai, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, thu hút nhà đầu tư đến địa phương”, một chuyên gia hàng không nhận xét.
Trao đổi với PLO, đại diện ACV cho biết đang xin ý kiến Bộ GTVT, kế hoạch sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Vinh (Nghệ An) do các hạ mục này xuống cấp, đảm bảo an toàn khai thác. Phía ACV đánh giá, lượng khách thông qua sân bay Vinh tăng trưởng nhanh, năm 2022, đạt 2,6 triệu khách.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, hệ thống đường băng, đường lăn chỉ được duy tu bảo trì để đảm bảo yêu cầu điều kiện về an toàn khai thác và chưa được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tổng thể.
Theo báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá hiện trạng của Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, đường băng, đường lăn sân bay Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế.
Để đảm bảo khai thác an toàn, lâu dài, có khả năng khai thác được các máy bay hiện đại như Airbus A320/A321 đầy tải, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường băng, hệ thống đường lăn hiện hữu và các hạ mục đồng bộ, từ đó nâng cao năng lực khai thác sân bay Vinh. Dự kiến tổng mức đầu tư nâng cấp đường băng và các hạ mục liên quan khoảng 745 tỉ đồng, thời gian thông công trong 4 tháng.
Do sân bay Vinh có lượng khách thông qua đông, ACV kiến nghị thời gian đóng cửa sân bay thi công sau cao điểm Tết Nguyên đán năm 2025 và kết thúc thi công trước cao điểm hè năm 2025, để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân.
“Khu bay là tài sản nhà nước do Bộ GTVT quản lý nên sửa như nào phải có ý kiến, phê duyệt của Bộ. Theo đó, khi được Bộ phê duyệt, lúc đó ACV mới thông tin khuyến cáo đến việc đi lại của hành khách từ Nghệ An”, vị đại diện phân tích.
Đối với đường bay kết nối thủ phủ du lịch Đà Lạt, mới đây Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) từ cảng hàng không nội địa thành được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, có công suất 5 triệu khách/năm. Như vậy, công suất của sân bay này sẽ tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay.
Đối với nhà ga, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, đồng thời quy hoạch mới nhà ga T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050, mở rộng nhà ga T2 nâng tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Trước đó, ACV cũng sắp xếp vốn triển khai mở rộng nhà ga T2 - Cảng HKQT Cát Bi (Hải Phòng). Mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, cùng các các dự án sân đỗ, hạ tầng đồng bộ và các dự án nhà ga hàng hóa.
Trong tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, ACV đã mở rộng, đưa vào khai thác thương mại Cảng hàng không Điện Biên kết nối khách từ TP.HCM và Hà Nội đến khu khu vực Tây Bắc. Cuối năm 2023, sân bay Điện Biên chính thức hoạt động với công suất 500.000 khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.
Tại miền Trung, dự án nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài với công suất thiết kế 5 triệu khách/năm đã đưa vào khai thác hồi giữa năm 2023. Tổng mức đầu tư cho dự án này gần 2.300 tỉ đồng. Phía ACV đánh giá, việc mở rộng nhà ga, nâng cao chất lượng dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thị trường hàng không có dấu hiệu chững lại
Dù thị trường hàng không đang phục hồi tốt, tuy nhiên phía ACV khá thận trọng phân tích, thị trường nội địa năm 2023, tuy tăng trưởng 9% so với thời điểm trước dịch 2019, nhưng đã có dấu hiệu chững lại, giảm 7% so với cùng kỳ 2022, đặc biệt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, thị trường du lịch cao điểm hè không bùng nổ như mọi năm, từ tháng 6 đến tháng 10 sản lượng khách nội địa đều giảm sâu khoảng 20% so với năm 2022.
Đặc biệt năm 2024, các hãng bay trong nước có kế hoạch đại tu số lượng lớn máy bay A321. Dự kiến cao điểm hè tháng 7-8 khoảng 25 chiếc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch bay khi đội tàu bay A321 đang là chủ lực của các hãng bay. Bên cạnh đó, việc các hãng bay ưu tiên máy bay lớn trên các đường bay quốc tế cũng khiến thị trường vận tải nội địa có xu hướng giảm.
Đáng chú ý, hãng hàng không Bamboo Airways từ tháng 11-2023 đã cắt giảm tần suất, đường bay để thực hiện đề án tái cơ cấu khiến sản lượng vận chuyển không tăng như kỳ vọng.