Ai được chứng giấy bán xe cá nhân?

Sở Tư pháp TP.HCM vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp quận/huyện trên địa bàn TP sáu tháng đầu năm 2018. Tại hội nghị, Sở Tư pháp đã gỡ vướng hơn 40 trường hợp khó khăn, vướng mắc của quận/huyện về hộ tịch, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, kiểm tra văn bản…

Hai trường hợp khác nhau

Đại diện Phòng Tư pháp quận 10 đề nghị gỡ vướng vì có hai hướng dẫn khác nhau giữa Bộ Tư pháp và UBND TP.HCM về thẩm quyền ký giấy bán, cho, tặng cho xe cá nhân (gọi tắt là giấy bán xe).

Vị đại diện này lý giải, theo Quyết định 2103 của UBND TP.HCM quy định chứng thực chữ ký giấy bán xe là của UBND cấp xã (với xe máy chuyên dùng là UBND xã nơi người bán xe đăng ký thường trú). Còn Văn bản số 3956-2018 của Bộ Tư pháp thì hướng dẫn khác về việc chứng thực chữ ký của người bán xe. Cụ thể, đối với giấy bán xe chuyên dùng thì UBND cấp xã nơi thường trú của người bán thực hiện. Đối với giấy bán xe của cá nhân thì người dân có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực chữ ký (nếu chọn chứng thực thì thẩm quyền giống bán xe chuyên dùng).

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP, phân tích: Theo Thông tư số 20-2010 của Bộ GTVT quy định đối với giấy bán xe chuyên dùng (theo mẫu) thì UBND cấp xã nơi người bán xe đăng ký thường trú chứng thực chữ ký của họ. Tại Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an quy định giấy bán xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã đối với chữ ký của người bán.

Như vậy, theo ông Tùng, có thể chia làm hai trường hợp. Thứ nhất, chứng thực chữ ký của người bán xe đối với giấy bán xe chuyên dùng do UBND cấp xã nơi người bán xe đăng ký thường trú chứng thực. Thứ hai, chứng thực chữ ký của người bán xe đối với giấy bán xe cá nhân do UBND cấp xã chứng thực (không phụ thuộc vào nơi thường trú của người bán xe). Ông Tùng nói: “Đối với hướng dẫn bất cập trong Công văn số 3956 của Bộ Tư pháp nêu trên, Sở Tư pháp sẽ báo cáo Bộ để chỉnh sửa”.

Phó phòng Tư pháp quận 4 Phạm Thị Nương nêu vướng mắc tại hội nghị. Ảnh: KIM PHỤNG

Khó khăn về chứng thực

Bà Phạm Thị Nương, Phó phòng Tư pháp quận 4, nêu khó khăn khi chứng thực bản sao từ bản chính. Cụ thể, theo điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định 23/2015 của Chính phủ thì phải ghi lời chứng thực bản sao từ bản chính tại trang cuối của văn bản. Nhưng nhiều văn bản trang cuối đã đầy thông tin, không còn chỗ để ghi lời chứng thực nên gây khó khăn. Vì nếu thực hiện đúng quy định trên thì lời chứng thực sẽ chồng lên nội dung văn bản. Trong khi trước đây Nghị định 79/2007 của Chính phủ quy định ghi lời chứng vào chỗ trống của văn bản thì rất dễ thực hiện. Từ đó bà Nương kiến nghị thực hiện theo quy định cũ.

“Việc này Sở Tư pháp TP đã có văn bản ngày 21-9-2017 kiến nghị với Bộ Tư pháp tháo gỡ khó khăn nhưng Bộ vẫn chưa có hướng dẫn” - ông Phan Thanh Tùng thông tin.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, lưu ý việc chứng thực chữ ký, giấy tờ phải còn giá trị sử dụng. Theo đó, Phòng Tư pháp quận 4 nêu khó khăn khi chứng thực chữ ký có khi người dân không xuất trình được bản chính giấy CMND và hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Thậm chí nhiều người không có cả hai loại giấy tờ trên như diện tạm trú lâu năm thì chỉ có sổ tạm trú chứ không có CMND hoặc hộ chiếu. Trường hợp này khi có yêu cầu chứng thực chữ ký trong văn bản cam kết để được đăng ký hộ khẩu hoặc các văn bản khác thì không thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Vũ giải thích: Về nguyên tắc, việc chứng thực chữ ký được thực hiện theo quy định của Nghị định 23 nêu trên, tức là người yêu cầu chứng thực phải xuất trình giấy CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Do đó, đề nghị các phòng Tư pháp báo cáo với UBND quận/huyện đề nghị công an nghiên cứu, xem xét, thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cấp lại, cấp đổi giấy CMND.

Chấn chỉnh việc lạm dụng bản sao

Ngày 21-3-2018, Sở Tư pháp TP có Công văn số 2680 báo cáo UBND TP về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo số liệu trong sáu tháng đầu năm 2018, các phòng Tư pháp quận/huyện đã giải quyết 1.211.836 hồ sơ chứng thực (giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, chứng thực bản sao từ bản chính là 828.960 trường hợp; chứng thực chữ ký là 382.876 trường hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm