Theo tờ South China Morning Post, Ấn Độ là nước thứ tư có khả năng bắn hạ vệ tinh này, bên cạnh các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình sau vụ phóng thử, Thủ tướng Modi bày tỏ sự vui mừng của mình trước sự thành công này. “Đây là giây phút tự hào của Ấn Độ”, ông tuyên bố.
Được biết, lần cuối cùng ông đứng trước màn ảnh rộng đã là từ năm 2016. “Ấn Độ đã ghi danh mình vào danh sách các cường quốc vũ trụ. Cho đến hiện tại, thế giới mới chỉ có ba nước có khả năng thực hiện việc này”, ông nói thêm.
Hình ảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu sau vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng tiết lộ vệ tinh dùng trong lần bắn thử này đã đạt được độ cao gần 300km cách Trái Đất trước khi nó bị tên lửa chống vệ tinh của Ấn Độ tiêu diệt.
Trước những bước tiến mới trong công nghệ quân sự của Ấn Độ, chuyên gia Laxman Kumar Behera thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại thủ đô New Delhi nhấn mạnh: “Vụ việc này đã phô diễn khả năng của Ấn Độ. Ấn Độ giờ đây đã bộc lộ ý định trở thành một cường quốc vũ trụ và nước này sẽ sẵn sàng tác chiến trên vũ trụ cho mục đích quốc phòng nếu cần thiết”.
Trước Ấn Độ, vào năm 2007, Trung Quốc đã dùng một tên lửa đạn đạo để phá huỷ một vệ tinh thời tiết cũ cách Trái Đất 861km. Nga cũng đang tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa có khả năng bắn phá và tiêu diệt vệ tinh hoặc tên lửa đạn đạo khác.
Chương trình tên lửa và vũ trụ của Ấn Độ, cùng với mức tăng trưởng kinh tế 7% và nỗ lực giành lấy một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được cho là những động thái tăng cường năng lực quốc phòng và xác lập vị thế cường quốc của quốc gia Nam Á này.