Căng thẳng tháng trước giữa Ấn Độ và Pakistan thực ra nghiêm trọng hơn rất nhiều các thông tin truyền thông đã đưa và đã có lúc có nguy cơ vượt kiểm soát và chỉ hạ nhiệt khi có sự can thiệp của Mỹ, hãng tin Reuters (Anh) ngày 17-3 dẫn năm nguồn thạo tin cho biết.
Các nguồn tin này là các nhà ngoại giao phương Tây và quan chức chính phủ các nước Ấn Độ, Pakistan và Mỹ. Theo các nguồn tin này, có thời điểm Ấn Độ đã dọa sẽ bắn ít nhất 6 quả tên lửa sang Pakistan, và Pakistan cũng dọa sẽ đáp trả bằng lượng tên lửa “gấp ba”.
Nguồn cơn khủng hoảng
Sự đe dọa lẫn nhau giữa hai bên vẫn chỉ mới dừng lại ở phát ngôn qua lại, và cũng chưa bên nào nói tên lửa dọa bắn qua nước kia không phải là tên lửa thông thường (ý muốn nói đến tên lửa hạt nhân – Pakistan và Ấn Độ là hai quốc gia có vũ khí hạt nhân).
Tuy nhiên chỉ việc Ấn Độ và Pakistan đe dọa bắn tên lửa qua nhau cũng khiến các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh (cũng là các quốc gia có vũ khí hạt nhân) lo lắng không yên.
Reuters đã liên kết các sự kiện dẫn tới cuộc khủng hoảng quân sự nghiêm trọng nhất ở Nam Á kể từ năm 2008, cũng như các nỗ lực ngoại giao để hai bên giảm căng thẳng.
Sự việc bắt đầu cuối tháng trước. Ngày 26-2 Ấn Độ không kích căn cứ nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammad nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Nhóm Jaish-e-Mohammad trước đó đã nhận trách nhiệm vụ tấn công đoàn xe an ninh Ấn Độ ngày 14-2 khiến 45 thành viên lực lượng bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng.
Vụ không kích khiến quan hệ Ấn Độ và Pakistan leo thang nguy hiểm. Ấn Độ chỉ trích Pakistan che giấu nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad, cáo buộc Pakistan “trực tiếp nhúng tay” vào vụ tấn công vào đoàn xe an ninh Ấn Độ, nói mình không kích vì “sự bất lực của Pakistan trong hành động tiêu diệt hạ tầng khủng bố”.
Phần mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Pakistan cho rằng vụ không kích của Ấn Độ không phải nhằm vào nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammad mà cố tình xâm phạm không phận nước này. Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố sẽ đáp trả.
Ngày 27-2, các máy bay chiến đấu của Ấn Độ và Pakistan đụng độ nhau trên vùng trời Kashmir. Paksitan bắn rơi 2 máy bay của không quân Ấn Độ. Một chiếc rơi xuống khu vực Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir, hai phi công trên chiếc máy bay này thiệt mạng. Chiếc còn lại rơi xuống khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir và phi công bị phía Pakistan bắt.
Xác chiếc máy bay chiến đấu Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi ngày 27-2. Ảnh: AP
Ấn Độ đe dọa trước?
Vài giờ sau, các đoạn video ghi hình viên phi công người đầy máu, bị trói tay, che mắt bị phía Pakistan thẩm vấn xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến Ấn Độ tức giận.
Thời điểm này, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đang đối mặt cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới, nên ông chịu áp lực phải hành động.
Ngay tối hôm đó, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval điện đàm với Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Pakistan (ISI) Asim Munir, khẳng định Ấn Độ sẽ không từ bỏ chiến dịch chống khủng bố dù Pakistan có bắt phi công của mình.
Theo một nguồn tin chính phủ Ấn Độ, ông Doval đã nói với ông Munir rằng cuộc chiến của Ấn Độ là nhắm vào các nhóm phiến quân hoạt động tự do ở phía Pakistan và Ấn Độ đã sẵn sàng tăng quy mô cuộc chiến.
Lính biên phòng Ấn Độ tuần tra dọc biên giới với Pakistan gần bang Jammu và Kashmir ngày 26-2. Ảnh: REUTERS
Một nguồn tin bộ trưởng chính phủ Pakistan và một nhà ngoại giao phương Tây ở Islamabad xác nhận với Reuters rằng Ấn Độ đe dọa dùng 6 quả tên lửa vào các mục tiêu bên trong Pakistan.
Các nguồn tin này không nói rõ ai là người đưa ra đe dọa này và ai là người tiếp nhận lời đe dọa này, nhưng nguồn tin bộ trưởng Pakistan cho biết các cơ quan tình báo Ấn Độ và Pakistan “giữ liên lạc với nhau trong quá trình xung đột, và thậm chí hiện giờ họ cũng liên lạc với nhau”.
Phía Pakistan cho biết sẽ đáp trả mọi cuộc tấn công tên lửa của Ấn Độ với lượng tên lửa nhiều hơn, nguồn tin bộ trưởng Pakistan nói với Reuters.
“Chúng tôi nói nếu quý vị bắn một quả, chúng tôi sẽ bắn ba quả. Dù Ấn Độ làm gì, chúng tôi cũng sẽ đáp trả gấp ba lần”, Reuters dẫn lời vị bộ trưởng này.
Reuters cho biết có liên lạc văn phòng ông Doval nhưng không được bình luận. Khi được Reuters hỏi về vấn đề này, một quan chức chính phủ Ấn Độ nói Ấn Độ không hay biết bất kỳ đe dọa tên lửa nào đối với Pakistan.
Mỹ vào cuộc
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan leo thang trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dự kỳ thượng đỉnh thứ hai với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, trong nỗ lực tìm một thỏa thuận giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Có mặt tại Hà Nội thời điểm này có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Theo các nguồn tin, tối 27-2 và sáng sớm 28-2, ông Bolton có 2 cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Doval, trong nỗ lực làm dịu tình hình.
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – lúc đó cũng có mặt tại Hà Nội – đã gọi cho cả Ấn Độ và Pakistan bàn cách tháo gỡ khủng hoảng.
“Ngoại trưởng Pompeo trực tiếp gắn kết ngoại giao và điều này có vai trò rất quan trọng trong việc giảm căng thẳng hai bên”, Reuters dẫn lại lời người phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói ngày 5-3.
Ông Palladino cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nói chuyện với ông Doval và với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi.
Reuters cũng đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để hỏi về các đe dọa tấn công tên lửa của Ấn Độ và Pakistan nhưng không được trả lời.
Tại Hà Nội ngày 28-2 ông Trump nói với báo chí: “chúng tôi tham gia, cố gắng thuyết phục họ ngừng lại, hy vọng việc này sẽ chấm dứt”.
Tuần trước tại Singapore, Đô đốc Phil Davidson – Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói với báo chí rằng ông có giữ liên lạc với Chỉ huy Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba trong quá trình xảy ra khủng hoảng. Chưa có phản hồi từ văn phòng ông Lanba về chuyện này.
Theo nguồn tin ngoại giao phương Tây ở New Delhi và các quan chức Mỹ, các nỗ lực của Mỹ tập trung vào việc để Pakistan nhanh chóng trao trả phi công cho Ấn Độ, và thuyết phục Ấn Độ rút lại lời đe dọa nã tên lửa sang Pakistan.
“Chúng tôi đã có rất nhiều nỗ lực để lôi kéo cộng đồng quốc tế vào cuộc thuyết phục hai bên giảm căng thẳng, vì chúng tôi hoàn toàn nhận biết nó nguy hiểm thế nào”, một quan chức cấp cao Mỹ nói với Reuters.
Cuối ngày 28-2 Thủ tướng Pakistan Imran Khan thông báo trước Quốc hội nước này rằng phi công Ấn Độ sẽ được thả. Và viên phi công này được trao trả về Ấn Độ ngày hôm sau.
“Tối qua tôi biết có một đe dọa có thể có một cuộc tấn công tên lửa vào Pakistan, và đe dọa này đã được tháo ngòi. Tôi biết quân đội chúng ta sẵn sàng trả đũa cuộc tấn công đó”, Reuters dẫn lời ông Khan.
Phi công Ấn Độ Abhinandan được phía Pakistan hộ tống trao trả cho phía Ấn Độ tại biên giới Kashmir ngày 1-3. Ảnh: REUTERS
Ngoài Mỹ còn có Trung Quốc, UAE
Nguồn tin bộ trưởng Pakistan cho biết, ngoài Mỹ, tham gia can thiệp vào căng thẳng Ấn Độ-Pakistan lúc đó còn có Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) thống nhất. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Chính phủ UAE thì cho biết Thái tử Mohammed bin Zayed al-Nahyan ở Abu Dhabi đã trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Pakistan Imran Khan.
Phía Ấn Độ không cho biết chi tiết, nhưng có nói mình giữ liên lạc với nhiều nước lớn trong thời gian xung đột với Pakistan.
Diễn biến căng thẳng giữa hai quốc gia hạt nhân Ấn Độ và Pakistan cũng như thông tin nghiêm trọng mới nhất này một lần nữa cho thấy vùng Kashmir vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới. Hai nước đã trải qua ba cuộc chiến từ khi độc lập khỏi Anh năm 1947 và đây là lần đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1999.
Các chuyên gia ngoại giao cho rằng cuộc khủng hoảng mới nhất này cho thấy sự khó dự đoán trong quan hệ giữa hai đối thủ hạt nhân Ấn Độ-Pakistan, cũng như nguy cơ lớn sau đó.
Theo số liệu thống kê từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ có từ 130-140 đầu đạn hạt nhân, Pakistan nhỉnh hơn chút ít, có từ 140-150 đầu đạn hạt nhân.
Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể phóng tới quần đảo Andaman của Ấn Độ và hiện đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển.
Trong khi đó Ấn Độ đã có đủ “bộ ba hạt nhân”, có khả năng tiến hành tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển, đã đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.