Sinh viên của các trường đại học ở Ấn Độ đã quyết định tiến hành cuộc phản đối, đồng thời dạy mọi người cách tổ chức các cuộc biểu tình ngay trên các trang mạng trực tuyến, theo hãng tin Reuters.
Instagram trở thành trang mạng chủ yếu của cuộc biểu tình, vì nền tảng này có thể được sử dụng để chia sẻ hình ảnh và video với tính bảo mật và bảo vệ chống lại sự tấn công từ phía bên ngoài cao.
“Tôi không thích sử dụng trang mạng Twitter, mỗi khi tôi đăng nhập vào nó tôi chỉ thấy sự thù ghét giữa mọi người” - anh Abdul Rehman, một sinh viên kỹ thuật 22 tuổi tại Đại học Jamia Millia Islamia ở thủ đô New Delhi, cho biết.
“Sẽ không có cách nào để kiểm soát ai đang xem hoặc chia sẻ hình ảnh hoặc video của tôi trên WhatsApp, và hầu hết bạn bè của tôi lại không có ở trên Facebook” - anh Rehman nói thêm.
Những ngày qua, hàng chục ngàn người Ấn Độ đã cùng nhau xuống đường biểu tình nhằm phản đối Đạo luật Công dân, với sự dẫn đầu đông đảo bởi các sinh viên.
Được sự chấp thuận của tổng thống Ấn Độ hồi tuần trước, đạo luật sẽ giúp các nhóm tôn giáo thiểu số như Ấn Độ giáo và Kitô giáo tránh đàn áp ở các nước láng giềng như Bangladesh, Pakistan và Afghanistan bằng cách cho họ nhập quốc tịch Ấn Độ.
Những người phản đối cho rằng dự luật này vốn không dành cho người Hồi giáo những điều khoản tương tự sẽ làm suy yếu hệ thống văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ.
Sharjeel Usmani, một sinh viên của Trường Đại học Hồi giáo Aligarh, cho biết: “Người Hồi giáo cảm thấy sợ hãi với dự luật mang tính phân biệt đối xử này. Chúng tôi sẽ phản đối nó cho đến khi nó được hủy bỏ”.
Cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm vào hôm 15-12 vừa rồi, trong một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên Trường Đại học Jamia Millia khiến khoảng 200 người bị thương.
Người biểu tình trong một cuộc tuần hành phản đối Đạo luật Công dân mới ở ngoại ô Mumbai, ngày 18-12-2019. Ảnh: REUTERS
Các sinh viên sau đó đã quyết định đưa toàn bộ hoạt động biểu tình của mình lên mạng xã hội Instagram, thể hiện sự phản đối dự luật của mình.
“Thế hệ trẻ của thiên niên kỷ như chúng tôi luôn hoạt động trên mạng Instagram” - anh Islam Mirza, người vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Jamia hồi đầu năm nay, nói.
“Cho dù là để ngăn chặn cuộc biểu tình hay tổ chức các cuộc biểu tình khác, thậm chí là hướng dẫn sinh viên những việc cần làm hay không nên làm để giữ một cuộc biểu tình ôn hòa, chúng tôi đều sử dụng Instagram như một sứ giả đưa tin” - anh Mirza cho biết.
Nhiều người dân Ấn cũng sử dụng nền tảng mạng xã hội này để chỉ dẫn những người khác về mối nguy hại và tất cả thông tin về đạo luật mới của chính quyền Ấn Độ.
Mặc dù cả Facebook và WhatsApp vẫn được sử dụng để truyền tải các thông tin về CAA và các cuộc biểu tình, rất nhiều sinh viên từ Trường Jamia cho biết Instagram mới là lựa chọn ưa thích của họ.
Tránh sự quấy rối
“Chính chế độ cài đặt quyền riêng tư của Instagram đã cung cấp một “ổ khóa bảo mật” cho người dân Ấn Độ thoát khỏi sự quấy rối từ các phe thù địch trên các nền tảng khác như Twitter” - Torsha Sarkar, một nhân viên tại Trung tâm Mạng xã hội ở Bengaluru, cho biết.
Một nền tảng mạng xã hội khác cũng được người dân Ấn Độ tin tưởng sử dụng đó chính là TikTok, thuộc Công ty ByteDance của Trung Quốc.
TikTok cho phép người dùng tạo và chia sẻ các đoạn video ngắn với hiệu ứng đặc biệt, và người dân Ấn Độ cũng đang biến ứng dụng này thành nơi để họ lên tiếng phản đối Đạo luật Công dân.
Cảnh sát ngăn chặn dòng người biểu tình tại TP Chennai ngày 18-12-2019. Ảnh: REUTERS
Một đoạn video được đăng bởi người dùng @monuqureshi142 cho thấy hai phụ nữ - một người mặc áo trắng và quần jean xanh, người còn lại mặc áo choàng - hô khẩu hiệu trước hàng trăm người biểu tình bên ngoài cổng chính của Trường Đại học Jamia.
Nhạc nền của đoạn clip được lồng tiếng bởi một giọng nam đang nói tiếng Hindi.
“Họ gây áp lực lên chúng ta khi ta lên tiếng đòi quyền lợi của mình, cả chính phủ lẫn cảnh sát đều giả vờ không nghe thấy một điều gì. Đoàn kết lại, hỡi những con dân Hồi giáo, chúng ta hãy đoàn kết lại” - hai người phụ nữ hô vang.