Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng

Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng đối với một quốc gia đang cố gắng trở thành một siêu cường không gian trong tương lai, CNN đưa tin.

Hệ thống thám hiểm Mặt trăng tiên tiến nhất của Ấn Độ có tên là Chandrayaan-2, tiếng Phạn nghĩa là "du thuyền lên Mặt Trăng" đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại đảo Sriharikota ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ lúc 2 giờ 43 chiều ngày 22-7 (giờ địa phương).

Nếu tàu thám hiểm Chandrayaan-2 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên phần phía Nam của Mặt Trăng. Ảnh: CNN

Trước đó, Ấn Độ dự kiến sẽ phóng tàu thám hiểm này vào ngày 15-7, nhưng kế hoạch bị hoãn chỉ 56 phút trước giờ phóng do "trở ngại kỹ thuật", Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) trước đó cho hay.

Ấn Độ hiện đang trên đường trở thành quốc gia thứ tư - ngoài Mỹ, Trung Quốc và Nga thực hiện một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng. Nếu tàu thám hiểm Chandrayaan-2 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên phần phía Nam của Mặt Trăng.

Chandrayaan-2, nặng 3,8 tấn, dự kiến mất khoảng 2 tháng để tới Mặt Trăng. Khi đến nơi, hệ thống sẽ di chuyển xung quanh một quỹ đạo tròn cách bề mặt của Mặt Trăng khoảng 100 km. Từ đó, tàu đổ bộ có tên là Vikram sẽ tách khỏi tàu chính và hạ cánh trên bề mặt mặt trăng gần Nam Cực của nó.

Tiếp đó, xe thăm dò mang tên Pragyan sẽ được triển khai và có cuộc khám phá Mặt Trăng trong 14 ngày. Trong chuyến đi này, Pragyan sẽ thu thập các mẫu khoáng chất và hóa chất để phân tích về thành phần bề mặt của Mặt Trăng. Trong vòng một năm sau đó, tàu quỹ đạo sẽ vẽ bản đồ bề mặt của Mặt Trăng và nghiên cứu về bầu khí quyển bao quanh Mặt Trăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới