Sở Giao thông nói về dải phân cách gây chết người ở cao tốc

Liên quan vụ thanh niên tông dải phân cách trên đường dẫn cao tốc, trưa 13-3, trao đổi với PV PLO.VN, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) nói: Sáng cùng ngày, Sở đã nhận báo cáo đầy đủ về sự việc cũng như kiến nghị của Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2). 
"Sở cũng đang chờ kết luận về nguyên nhân xảy ra sự việc từ phía công an điều tra", ông nói.

Sở GTVT cho biết dải phân cách được lắp đặt dọc theo chiều của làn đường, phía trước có cọc tiêu phản quang và 5 gờ giảm tốc, để cảnh báo cho người đi đường. Ảnh: HĐ

Ông Đường thông tin: Năm 2016-2017 tại khu vực xảy ra tình trạng xe ô tô đi vào làn xe máy, gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Từ thực tế đó, Khu 2 đã đề xuất và phối hợp địa phương là quận 2 để đưa ra phương án lắp dải phân cách ngăn ô tô đi vào. Đây là biện pháp mang tính chất cưỡng bức nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe máy, không gây ùn tắc.
Thời gian qua, việc lắp đặt đã phát huy hiệu quả, Công an quận 2 và Khu 2 cho biết không ghi nhận vụ việc va chạm nào.
“Khi gắn dải phân cách, Sở GTVT cũng cho gắn đầy đủ hệ thống cảnh báo theo Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ của Bộ GTVT. Bao gồm biển báo Đi chậm, biển cảnh báo có chướng ngại vật phía trước, 5 gờ giảm tốc và một số cọc tiêu cảnh báo” – ông Đường nói thêm.

Trước dải bê tông có biển báo hiệu "Đi chậm" và biển báo có vật cản phía trước. Ảnh: HĐ

Trưởng phòng khai thác hạ tầng giao thông đường bộ cũng khẳng định, thời điểm xảy ra vụ tai nạn là 18 giờ ngày 12-3 với điều kiện ánh sáng "tương đối chứ không phải tối, trời vẫn sáng", sau đó 18 giờ 10 phút thì hệ thống chiếu sáng mới mở.
“Như vậy, điều kiện hạ tầng, hệ thống biển báo đầy đủ. Trong gần 2 năm đưa vào khai thác thì không có sự cố gì xảy ra. Nếu người dân tuân thủ hệ thống biển báo, quy định tốc độ thì sẽ không xảy ra sự cố” – ông nói.
Nói về trách nhiệm của Sở GTVT sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông nhìn nhận: Đây là một sự cố đáng tiếc không ai mong muốn, còn lỗi do hạ tầng hay người tham gia giao thông thì phải chờ công an điều tra.
“Trường hợp hôm qua là ngoài ý muốn. Vì hệ thống biển báo đã thực hiện theo Quy chuẩn 41 của Bộ GTVT. Khi đặt dải phân cách phải gắn hệ thống biển báo đi kèm để đảm bảo an toàn giao thông, tạo quan sát cho người điều khiển giao thông” – ông cho biết thêm.
Ông khẳng định, Sở GTVT sẽ cho rà soát các vị trí lắp dải phân cách trên địa bàn để thay đổi vật liệu bằng cao su phòng ngừa lỡ xảy ra sự cố va đập sẽ giảm thấp nhất chấn thương. Đồng thời Sở cũng tăng cường các hệ thống cảnh báo như gờ giảm tốc, cọc tiêu phản quang...
Ngoài ra. Sở GTVT sẽ nghiên cứu lắp camera để xử phạt việc xe ô tô đi vào làn xe máy. "Về lâu dài sẽ triền khai đầu tư và đưa vào khai thác đường song hành cao tốc để xe máy lưu thông, tách biệt làn đường xe máy và ô tô", ông nói.
Vị đại diện Sở GTVT cũng bày tỏ mong muốn người lái xe cần chú ý quan sát hệ thống biển báo, làm chủ tay lái của mình, khi uống rượu bia thì không lái xe. Còn nếu gặp bất cập về hạ tầng, hệ thống biển báo thì phản ánh qua số điện thoại 1022, cổng thông tin giao thông của TP; để Sở GTVT kịp thời khắc phục ngay.
 

Trước đó, khoảng 18 giờ tối 12-3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) chạy xe máy không biển số trên đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây trong làn dành cho xe máy.

Khi lưu thông hướng ngã ba Mai Chí Thọ (phường An Phú, quận 2) thì xe của Hảo tông vào cục bê tông để ở giữa đường đoạn gần cột đèn số TL3/49.

Cú tông mạnh khiến nạn nhân tử vong tại chỗ do vết thương quá nặng phần đầu, xe máy thì văng xa.

Nhận được thông tin, lực lượng chức năng Sở tại đã nhanh chóng có mặt khám nghiệm, xử lý hiện trường, điều tra nguyên nhân.

Theo người dân, dọc tuyến đường cao tốc ở làn dành cho xe máy, đơn vị quản lý đã thiết đặt các phiến bê tông để ở giữa làn đường xe gắn máy – điều này được cho là để tránh cho ô tô chạy vào. Tuy nhiên, theo quan sát do làn đường quá hẹp, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm