Sắp tới, các nghị sĩ sẽ thảo luận đề xuất ngăn chặn ứng viên đảng Cộng hòa này có cơ hội đến nước Anh.
Tính đến thứ Tư 9-12, bản kiến nghị “Ngăn chặn Donald Trump đến Anh” đã nhận được 300.000 chữ ký.
Hiện trong nội bộ Quốc hội vẫn đang tranh luận về khả năng cho phép bản kiến nghị có hiệu lực. Ngoài ra, dự kiến sẽ có công văn từ chính phủ xác nhận việc này.
Ông Trump có thể không đến Anh sau những chỉ trích nhằm vào những phát ngôn cấm người Hồi giáo đến Mỹ của ông hồi đầu tuần qua.
Ông Donald Trump (ngoài cùng bên phải) (Ảnh: AP)
Lời nói của ông nhận không ít “gạch đá” từ nhiều chính trị gia và các quan chức ở nhiều nước, bao gồm cả Thủ tướng Anh David Cameron.
Sau những màn bình luận cho thấy sự kỳ thị của ông Trump, Thủ tướng Anh đã phải thốt rằng những phát ngôn của ông Trump “đầy chia rẽ, vô ích và cơ bản là sai”.
Lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn cho hay: “Lời kêu gọi của ông Trump trong việc cấm người Hồi đến Mỹ đã tấn công vào các giá trị dân chủ và báng bổ quyền cơ bản của con người. Hãy cùng nhau chống nạn phân biệt!”.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng những phát ngôn của ông Trump rất vô ích và gây chia rẽ (Ảnh: Reuters)
Còn theo ông Miqdaad Versi, trợ lý tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo ở Anh, quan ngại lời nói của ông Trump khiến tình trạng “Ám ảnh Hồi giáo” tại Anh ngày một trầm trọng hơn.
“Tính nhất quán là quan trọng nhất. Nếu chính phủ chọn cách cấm người tuyên truyền và kích động hận thù thì nên áp dụng hết thảy mọi tầng lớp, bất kể họ có là ứng viên tổng thống Mỹ hay nhà truyền giáo đầy đức tin” - ông Versi quả quyết.
Cũng theo bản kiến nghị, Anh nên cấm bất kỳ cá nhân nào, bất kể địa vị hay giàu nghèo đến Anh nếu họ có những hành vi “không chấp nhận được” và không phù hợp với chuẩn mực chung.