Anh, Đức bắt nhiều nghi phạm làm gián điệp cho Trung Quốc

(PLO)- Anh, Đức bắt nhiều nghi phạm làm gián điệp cung cấp thông tin tình báo và công nghệ cho Trung Quốc, phía Bắc Kinh phản ứng mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-4, cảnh sát Anh truy tố 2 nam nghi phạm làm gián điệp cho Trung Quốc, trong đó có một người được cho là từng làm nhà nghiên cứu tại quốc hội Anh, theo hãng tin Reuters.

“Đây là một cuộc điều tra cực kỳ phức tạp về những cáo buộc rất nghiêm trọng” - ông Dominic Murphy, người đứng đầu Bộ chỉ huy chống khủng bố của Cảnh sát Thủ đô London, cho hay.

gián điệp Trung Quốc.jpeg
Cảnh sát Anh bắt 2 nghi phạm làm gián điệp cho Trung Quốc. Ảnh: AP

Cảnh sát Anh cho biết hai nghi phạm là Christopher Cash, 29 tuổi và Christopher Berry, 32 tuổi, bị cáo buộc cung cấp cho Trung Quốc thông tin gây tổn hại nước Anh, vi phạm Đạo luật Bí mật chính thức.

Hai người này sẽ xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Westminster vào ngày 26-4, theo hãng tin AP.

Hồi tháng 9-2023, tờ Sunday Times đưa tin Cash đã bị bắt vì tội làm gián điệp khi đang làm nhà nghiên cứu tại quốc hội Anh cho nhà lập pháp đảng Bảo thủ - bà Alicia Kearns. Bà Kearns là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh. Còn nghi phạm Berry được cho là một học giả Anh.

Ngày 22-4, Đại sứ quán Trung Quốc tại London gọi các cáo buộc rằng Trung Quốc đang cố gắng đánh cắp thông tin tình báo của Anh là "hoàn toàn bịa đặt".

“Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó và kêu gọi phía Anh ngừng thao túng chính trị chống Trung Quốc và ngừng diễn trò hề chính trị tự dàn dựng như vậy” - người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh lên tiếng.

Trong một diễn biến khác, Reuters ngày 22-4 đưa tin ba công dân Đức đã bị bắt vì nghi ngờ làm việc với cơ quan an ninh Trung Quốc để chuyển giao công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Các công tố viên Đức xác định các nghi phạm bao gồm một cặp vợ chồng Herwig F. và Ina F điều hành một công ty ở TP Dusseldorf (Đức) và Thomas R. bị tình nghi làm việc cho một đặc vụ Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.

Các công tố viên cho hay cặp vợ chồng trên đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một trường đại học Đức thông qua công ty của họ, bao gồm việc chuẩn bị một nghiên cứu cho nhân viên Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc về các bộ phận máy móc có thể sử dụng cho động cơ hàng hải.

Anh, Đức bắt nhiều người nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.jpeg
Cờ Trung Quốc trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức. Ảnh: DPA

Theo các công tố viên, các nghi phạm cũng đã đại diện cho Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc mua một loại tia laser đặc biệt từ Đức và đưa sang Trung Quốc mà không được phép. Tuy nhiên, các công tố viên không nêu rõ loại tia laser này có thể được sử dụng để làm gì.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết chính phủ nước này đang theo dõi điều mà bà này gọi là mối đe dọa đáng kể do hoạt động gián điệp của Trung Quốc gây ra trong kinh doanh, công nghiệp và khoa học.

Bà Faeser nói thêm rằng đối với vụ việc trên, vấn đề công nghệ tiên tiến của Đức có thể được sử dụng cho mục đích quân sự là "đặc biệt nhạy cảm".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói rằng vào thời điểm bị bắt, các nghi phạm “đang đàm phán sâu về các dự án nghiên cứu có thể đặc biệt hữu ích cho việc mở rộng sức mạnh tác chiến trên biển của Trung Quốc”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin cũng ngay lập tức bác bỏ những cáo buộc trên của Đức.

“Chúng tôi kêu gọi Đức ngừng khai thác cáo buộc gián điệp để thao túng hình ảnh Trung Quốc về mặt chính trị và bôi nhọ Trung Quốc” - phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm