Ngày 30-8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) - ông Antonio Guterres đã kêu gọi viện trợ Pakistan trong bối cảnh các trận mưa xối xả và lũ lụt đã khiến một phần ba lãnh thổ nước này chìm trong biển nước, theo hãng tin Reuters.
Thủ tướng Pakistan - ông Shehbaz Sharif ước tính đợt thảm họa “chưa từng có trong 30 năm qua” đã khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng, trong đó có 380 trẻ em.
Thế giới hỗ trợ Pakistan
"Pakistan đang chìm trong đau khổ" - ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi các nước hỗ trợ 160 triệu USD để giúp Pakistan.
Trận lũ lớn nhất trong 30 năm qua ở Pakistan đã phá hủy gần một triệu ngôi nhà ở Pakistan. Ảnh: REUTERS |
Ông Guterres cho biết số tiền 160 triệu USD sẽ được dùng để mua thực phẩm, nước sạch, thuốc men,... cho 5,2 triệu dân Pakistan.
Ông Guterres cũng kêu gọi thế giới có phản ứng kịp thời để ngăn biến đổi khí hậu hủy diệt hành tinh này.
Ông Jens Laerke, phát ngôn viên của văn phòng điều phối nhân đạo của LHQ cho biết ông Guterres sẽ tới Pakistan vào tuần tới để xem xét ảnh hưởng của thảm họa này.
Theo ước tính, có tới 380 trẻ em đã thiệt mạng trong đợt lũ lịch sử ở Pakistan. Ảnh: REUTERS |
Cùng ngày, tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ ở Pakistan thông báo Washington sẽ gửi 30 triệu USD để hỗ trợ người dân Pakistan trong đợt lũ nghiêm trọng lần này, theo Reuters.
Ngày 30-8, Ấn Độ, vốn cắt đứt quan hệ thương mại song phương với Pakistan cho biết sẽ không nối lại giao thương, song sẵn sàng gửi viện trợ và hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực bị ảnh hưởng trong lũ lụt của quốc gia láng giềng.
Hàng nghìn công trình đã bị hư hại nghiêm trọng trong đợt lũ ở Pakistan. Ảnh: REUTERS |
Tờ The Print dẫn các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết chính quyền Thủ tướng Narendra Modi sẵn sàng gửi thực phẩm cho Pakistan, dựa theo "từng loại yêu cầu" đến từ Islamabad.
Thủ tướng Sharif cam kết "từng xu từ tiền viện trợ sẽ đến tay người nghèo, và sẽ không lãng phí chút nào".
Nhiều người rơi vào cảnh mất trắng nhà cửa, tài sản sau đợt lũ. Ảnh: REUTERS |
Ông Sharif bày tỏ lo ngại sự tàn phá này sẽ làm trật bánh thêm một nền kinh tế vốn đã bất ổn, có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và làm tăng lạm phát tăng vọt (vốn đã ở mức 24,9% trong tháng 7).
Ông nói, việc gieo hạt lúa mì cũng có thể bị trì hoãn, và để giảm thiểu tác động của việc này, Pakistan đã đàm phán với Nga về nhập khẩu lúa mì.
Tình hình hiện tại
Theo thống kê, Pakistan đã ghi nhận lượng mưa tổng cộng là 390,7 mm, nhiều hơn gần 190% so với mức trung bình 30 năm nay.
Với 50 triệu dân, tỉnh Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lượng mưa ghi nhận ở đây nhiều hơn 466% so với mức trung bình 30 năm qua.
Nhiều người dân Pakistan phải sống tạm bợ trong những căn lều. Ảnh: REUTERS |
"Một phần ba đất nước thực sự đang chìm dưới nước" - bà Sherry Rehman, Bộ trưởng về Biến đổi khí hậu Pakistan nói, mô tả quy mô của thảm họa là "chưa từng có".
Bà cho biết nước lũ sẽ không thể rút sớm.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan - ông Bilawal Bhutto-Zardari cho biết hàng trăm nghìn người đang sống ngoài trời và không được tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, nơi ở hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Lũ lụt đã khiến một phần ba lãnh thổ Pakistan chìm trong biển nước. Ảnh: REUTERS |
Đợt lũ đã phá hủy nhà cửa, cơ sở kinh doanh, cơ sở hạ tầng và mùa màng, ảnh hưởng 33 triệu dân (tương đương 15% của quốc gia Nam Á 220 triệu dân).
Hiện quân đội Pakistan đã dùng máy bay để giải cứu các gia đình mắc kẹt và thả thực phẩm xuống những khu vực không thể tiếp cận bằng đường bộ.
Cơ quan quản lý thảm họa nhà nước cho biết gần 300 người mắc kẹt, bao gồm một số khách du lịch, đã được đưa đến phía bắc. Trong khi đó, hơn 50.000 người đã được chuyển đến các khu vực trú ẩn ở phía tây bắc đất nước.
Lũ lụt đã làm ngập nhiều tuyến đường giao thông ở Pakistan. Ảnh: REUTERS |
"Cuộc sống ở đây rất đau khổ. Gia đình tôi đã mất tất cả" - ông Hussain Sadiq (63 tuổi), người đang ở một trong những nơi trú ẩn cùng cha mẹ và 5 đứa con, nói với Reuters.
Ông Hussain cho biết các gói hỗ trợ y tế hiện tại là không đủ, và bệnh tiêu chảy và sốt đang lây lan tại nơi trú ẩn.
Lũ lụt đã làm hư hại gần một triệu ngôi nhà ở Pakistan. Ảnh: REUTERS |
Theo Reuters, ít nhất 72 trong số 160 huyện của Pakistan đã được tuyên bố là nơi bị ảnh hưởng trong lũ lụt. Hơn hai triệu ha đất nông nghiệp đã bị nhấn chìm.
Tuy nhiên, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa khi mưa lớn tiếp tục trút xuống các khu vực bị ngập trong hơn hai tháng qua.