Anh trì hoãn ra đi, EU tức giận nhưng không thể ép buộc

Thủ tướng Anh David Cameron vừa cho biết ông sẽ để dành việc chính thức tuyên bố với  Liên minh châu Âu (EU) rằng Anh muốn ra đi cho người sẽ kế vị khi ông rời ghế thủ tướng vào tháng 10 tới.

Sau khi Anh chính thức tuyên bố với EU muốn ra đi, điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon tiến hành thương lượng ra đi mới được kích hoạt. Việc chậm trễ này có lợi cho Anh, nhưng EU thì không vì một khi Anh còn trì hoãn thì EU còn chìm trong bất an và khủng hoảng.

EU dù nóng ruột và tức giận…

Vì lo ngại này mà ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý Brexit, các lãnh đạo EU đã nhanh chóng lên tiếng yêu cầu Anh chính thức trình bày ý định và gấp rút tiến hành thủ tục thương lượng ra đi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ dẫn đầu thương lượng với Anh cũng yêu cầu Anh khẩn trương. Các nước Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan đều đã lên tiếng yêu cầu Anh không dây dưa.

EU rất mong muốn giải quyết sớm mớ bùng nhùng Brexit để tập trung củng cố sự thống nhất 27 thành viên còn lại, cũng như tập trung nguồn lực đối mặt nhiều thách thức lớn đã và đang phải đối mặt như khủng hoảng nhập cư, bất ổn kinh tế Hy Lạp, trừng phạt kinh tế lên Anh vì vấn đề Ukraine, các cuộc bầu cử ở nhiều nước thành viên sắp tới (Tây Ban Nha, Đức, Pháp).

Vì thế khi biết Thủ tướng Cameron quyết định lần lữa ít nhất tới tháng 10 thì EU đã mất kiên nhẫn. Nói với truyền thông Đức ngày 26-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói thẳng “Tôi không hiểu tại sao chính phủ Anh phải cần đến tháng 10 để quyết định gửi đơn ly hôn đến Bỉ - trụ sở EU? Tôi muốn ngay lập tức. Anh rời EU không phải là một cuộc ly hôn thân ái, Anh với EU cũng chẳng phải là một chuyện tình thắm thiết gì.”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tức giận vì sự trì hoãn ra đi của Anh. (Ảnh: DAILY MAIL)

Trong khi đó, nói với báo Guardian (Anh), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bực bội rằng ông Cameron tốt nhất nên ra đi sớm để thủ tướng mới xúc tiến rút khỏi EU, chứ đừng để đến tháng 10.

Cuối tuần rồi Ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân EU đã họp khẩn ở Đức, bày tỏ sự nóng ruột của mình và chuẩn bị cho cuộc họp với Thủ tướng Cameron dự kiến sẽ diễn ra ở Bỉ ngày 28-6. Theo dự đoán của báo CSM (Mỹ) thì cuộc họp này có nguy cơ sẽ không thể diễn ra suôn sẻ, nhiều khả năng Thủ tướng Cameron sẽ bị các Ngoại trưởng yêu cầu rời khỏi phòng họp.

Người kế vị Thủ tướng Cameron sẽ là một thành viên đảng Bảo thủ, trong đó cựu Thị trưởng London Boris Johnson là ứng viên tiềm năng nhất. Khả năng Anh sẽ tiếp tục dây dưa với EU ngay sau khi ông Cameron rời chức là rất lớn khi dù là một trong những lãnh đạo quyết liệt nhất của chiến dịch vận động Anh rời EU nhưng ông Boris Johnson lại rất đồng tình với Thủ tướng Cameron ở quan điểm: chẳng việc gì phải vội vàng dứt khoát với EU, cứ dây dưa xem sao đã.

…nhưng không thể ép buộc được Anh

Anh là thành viên đầu tiên chọn rời EU trong lịch sử 60 năm thành lập của khối. Do đó không ai có thể chắc tiến trình sẽ kéo dài bao lâu. Dù kết quả Brexit đã có nhưng EU không có quyền buộc Anh phải chính thức tuyên bố muốn ra đi ngay nếu Anh chưa muốn.

David Cameron

Eu tức giận vì Thủ tướng Anh David Cameron quyết định dành quyền chính thức tuyên bố ra đi với EU cho người kế nhiệm ông vào tháng 10 tới. (Ảnh: DAILY MAIL)

Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon chỉ có thể được kích hoạt sau khi Anh chính thức tuyên bố với EU mình muốn ra đi. “Không có cơ chế nào để ép buộc một nước rút khỏi EU. Điều khoản 50 cho phép ra đi, nhưng không một nước nào hay một thể chế nào khác có quyền kích hoạt nó ngoài nước tuyên bố muốn ra đi.”, Guardian dẫn lời Giáo sư luật Kenneth Armstrong tại đại học Cambridge.

Giáo sư Kenneth Armstrong dẫn điều 7 trong Hiệp ước Lisbon cho thấy một nước có thể bị ngưng tư cách thành viên nếu vi phạm các quyền cơ bản của EU, đó gọi là một “giải pháp hạt nhân”, tuy nhiên Anh không có vi phạm gì để EU có thể viện tới điều khoản này.

Vì thế theo Giáo sư Kenneth Armstrong, dù các lãnh đạo EU có sốt ruột và bực bội thế nào thì cũng không thể thúc ép Anh dứt khoát một khi Anh chưa muốn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.