Tại phiên họp Chính phủ tháng 4 (29-4), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá sữa theo Luật Giá.
Theo đó, áp dụng biện pháp đăng ký giá và quy định giá tối đa (giá trần) đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. Biện pháp này có đúng luật và có khả thi?
Việc giám định giá không hề đơn giản
Việc áp giá trần là một hình thức định giá của Nhà nước. Muốn áp dụng giá trần, cơ quan quản lý giá phải điều tra, xem xét sữa có phải là mặt hàng thuộc lĩnh vực độc quyền hoặc độc quyền nhóm không. Nếu mặt hàng sữa không phải là hàng hóa thuộc diện này mà cơ quan chức năng áp dụng giá trần (mức giá tối đa) là trái với Luật Giá.
Do vậy muốn thực thi biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định thị phần của từng doanh nghiệp (DN) sữa và đặc biệt là các DN sữa lớn có mặt trên thị trường nước ta. Xác định xem có đúng các DN sữa này có giữ vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Thực hiện điều này cũng không quá khó, chỉ cần thông qua cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế là có đủ tư liệu để xác định được thị phần của các DN lớn này.
Nếu trong trường hợp xác định trên thị trường sữa hiện nay ở nước ta có các DN giữ vị trí thống lĩnh thì biện pháp áp giá trần là hoàn toàn thích hợp.
Người tiêu dùng luôn mong giá sữa được bình ổn. Ảnh: HTD
Để định giá trần có thể sử dụng hai phương pháp định giá theo quy định tại Thông tư 25/2014 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc xác định giá trần của mặt hàng sữa tương đối phức tạp, không như thị trường xăng dầu chỉ có vài loại sản phẩm. Thị trường sữa hiện tại của nước ta có tới 500 dòng sản phẩm của 200 DN nên sẽ phải xem xét để quyết định áp giá trần đối với dòng sản phẩm sữa nào.
Hiện nay trên thị trường phần lớn các loại sữa bột dành cho trẻ em là sữa công thức. Đây là loại sữa đặc biệt và từng nhà sản xuất có công thức khác nhau. Nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của thị trường Việt Nam, hầu hết công ty mẹ đã sản xuất riêng cho từng thị trường (trong đó có thị trường Việt Nam) các dòng sản phẩm chuyên biệt. Do đó mặc dù cùng tên gọi nhưng khó có thể tìm được sản phẩm đồng loại, đồng cấp (cùng chất lượng, tỉ lệ, thành phần…) để so sánh giá bán. Khi pha trộn các hàm lượng dinh dưỡng thì đều phải thử nghiệm lâm sàng, trong khi đó chi phí thực cho việc này các DN đều giữ bí mật nên không biết lấy giá nào phù hợp để áp giá trần. Bên cạnh đó, nếu áp giá trần không hợp lý sẽ khiến DN không đủ bù đắp chi phí và có mức lợi nhuận thỏa đáng cho sản phẩm sữa thì dẫn đến hậu quả các công ty sữa không cạnh tranh lẫn nhau trong việc ra sản phẩm mới.
Kiểm soát chiết khấu đại lý
Để quản lý tốt thị trường sữa, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá mặt hàng này tại các cơ sở đại lý. Nếu có dấu hiệu đầu cơ, nâng giá bất hợp lý sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng đó, kiểm tra công tác đăng ký, kê khai giá và thực hiện bán theo giá đăng ký. Có hai vấn đề cần xem xét là giá nguyên liệu đầu vào và các mức chiết khấu cho đại lý. Phải xem việc tăng giá đột biến có hợp lý không, có gây bất ổn thị trường? Trước mắt sẽ tập trung kiểm tra tại các công ty. Tiếp theo sẽ triển khai rộng ra các đại lý, cửa hàng kinh doanh trên toàn địa phương để kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng tăng giá tùy tiện. Cơ quan chức năng thường xuyên có số liệu đối chiếu giá nhập khẩu, qua đó sẽ là căn cứ để kiểm soát giá đăng ký của DN.
Ngoài ra vì lý do bí mật kinh doanh, khung bảng tính giá của các loại sữa chưa bao giờ được DN công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế của DN và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà DN đang hưởng. Do vậy cần công bố công khai bảng tính giá để người tiêu dùng giám sát. Với thực trạng hiện nay, để thực hiện bình ổn giá các mặt hàng này sẽ tập trung tìm biện pháp tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa DN và đại cho hợp lý. Các DN phải cắt bớt các khâu trung gian, các khâu không cần thiết để ổn định mức chiết khấu. Cơ quan tài chính sẽ quản lý các mức chiết khấu cho đại lý.
Nhìn lại công tác quản lý giá sữa cho thấy không phải chỉ khi người tiêu dùng bức xúc, truyền thông, dư luận xã hội lên tiếng và có chỉ đạo của Thủ tướng thì cơ quan quản lý giá mới bắt đầu vào cuộc. Bình ổn giá sữa đã nói nhiều lần và qua nhiều năm thực hiện. Là sự việc cũ nhưng lần này nếu các cơ quan chức năng không có sự quyết tâm, làm quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ hơn thì giá sữa vẫn sẽ khiến người tiêu dùng thêm lo lắng.
PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường
giá cả (Bộ Tài chính)
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ có hai phương pháp định giá sữa để lựa chọn là phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. Phương pháp so sánh thực hiện thông qua định giá hàng hóa căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước, có tham khảo giá trên thị trường khu vực và quốc tế. Đối với phương pháp chi phí, trần giá sữa sẽ được tính trên cơ sở chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế hợp lý. Đối với sữa sản xuất trong nước: giá thành toàn bộ + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và các loại thuế khác; đối với sữa nhập khẩu: giá vốn nhập khẩu + chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và thuế khác. |