Ngày 19-9, tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các vấn đề pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệp Sharp toàn cầu.
Trước đó, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Sharp (Nhật) - phát thông báo khẳng định Tập đoàn Asanzo giả mạo bằng chứng về việc Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản do Sharp-Roxy (Hong Kong) chuyển giao.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Asanzo cho biết, chiều ngày 19-9 công ty cũng nhận được công văn từ Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam về vấn đề trên. Ngay sau đó, công ty đã cử người sang Hồng Kông để làm việc với đối tác. Sau khi làm việc xong, tất nhiên Asanzo cũng sẽ trả lời bằng văn bản cũng như có thông tin chính thức về vấn đề này.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Asanzo giới thiệu về quy trình ...sản xuất ra chiếc tivi
Thông cáo báo chí từ Sharp Việt Nam cho biết nhận được thông tin trong buổi họp báo ngày 17-9-2019, Asanzo đã công bố trước công chúng về bằng chứng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản như phát ngôn trên truyền thông, đó là bằng chứng về quan hệ hợp tác giữa Asanzo và Sharp-Roxy (Hong Kong). Asanzo đã công bố lá thư xác nhận của Sharp-Roxy về quan hệ hợp tác vào ngày 12-9-2019 như là bằng chứng.
Tuy nhiên, theo Sharp-Roxy, họ đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng công ty Roxy vào ngày 31-10-2016. Thông cáo nêu cụ thể:
Ngày 25-9-2016, Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty điện tử Roxy và Sharp-Roxy trở thành công ty con 100% vốn sở hữu bởi Tập đoàn Sharp. Tiếp đó ngày 31-10-2016, hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp-Roxy (Hong Kong) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong.
Dựa trên sự thật đó, việc Sharp-Roxy xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12-9-2019 là không thể xảy ra. Do đó, chúng tôi tin rằng lá thư xác nhận bởi Sharp-Roxy được công bố bởi Asanzo trong buổi họp báo của họ vào ngày 17-9-2019 là giả mạo. Vì thế, nội dung mà Asanzo đưa ra “Sharp-Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ hợp đồng vấn đang có hiệu lực” là không đúng sự thật.
Việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được xây dựng 107 năm. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các quy định pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu.