Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có công văn hỏa tốc số 330 về việc phối hợp cung cấp thông tin và báo cáo kết quả xác minh liên quan vụ việc Asanzo.
Nội dung công văn cho biết, ngày 26-8 Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia nhận được Công văn 4132/C03-P13 về việc đề xuất đôn đốc chỉ đạo cung cấp tài liệu Asanzo của cơ quan CSĐT Bộ công an.
Về nội dung này, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Trước đó ngày 24-7 Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia đã có Công văn 284/VPTT-TH gửi các bộ ngành Công thương, Bộ khoa học và công nghệ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan CSĐT-Bộ công an.
Thế nhưng đến nay cơ quan CSĐT Bộ công an chưa nhận được hồ sơ tài liệu kết quả kiểm tra xác minh của các bộ ngành liên quan trong vụ việc Asanzo.
Ngày 30-8, công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tuyên bố phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh
Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về vụ việc trên, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia tiếp tục đề nghị các Bộ ngành trên khẩn trương phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu kết quả kiểm tra xác minh theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ công an về các nội dung có liên quan đến công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan đến các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.
Vì vậy Cơ quan CSĐT Bộ công an đề nghị các Bộ, cơ quan ban ngành liên quan trả lời bằng văn bản cung cấp hồ sơ tài liệu cho cơ quan CSĐT trước ngày 30-8. Mọi sự chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra xác minh, các bộ ngành nêu trên chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Trong một diễn biến liên quan, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo mới đây phát đi thông báo cho biết ngày 30-8 là thời hạn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Đây cũng là dấu mốc 70 ngày kể từ ngày Asanzo dính nghi án gian lận xuất xứ (bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam - PV).
Trong 70 ngày ấy, mỗi ngày công ty phải chi ra ít nhất một tỉ đồng do hệ thống bán hàng bị tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể đến vô số các chi phí hoạt động khác.
"Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm đảm bảo quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động công ty sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi của người lao động trong khả năng của công ty và theo quy định của pháp luật", Asanzo cho hay.