Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10 km, Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thời gian gần đây được nhiều du khách tìm đến tham gia các tour du dịch sinh thái cộng đồng với những trải nghiệm vô cùng thú vị. Đặc biệt, nơi đây có một phụ nữ đang nắm giữ “kho tàng” bánh dân gian Nam bộ không ai sánh được. Đó là bà Phan Kim Ngân, tên thường gọi là Bảy Muôn, 53 tuổi.
“Vinh dự cái miệng” với mâm bánh dân gian
Từ bến đò Cô Bắc, chúng tôi đi tàu khoảng 10 phút là đến Cồn Sơn, cuốc bộ khoảng 500 m nữa là đến nhà bà Bảy Muôn. Trong căn nhà gỗ lợp lá đặc trưng Nam bộ, bà Bảy Muôn đang nhanh tay chuẩn bị bánh ngon cho hai du khách. Sau khi giải nhiệt trưa hè cho du khách bằng nước sâm mát lạnh mình tự nấu, bà Bảy Muôn bắt đầu bày “tiệc búp phê” bánh dân gian. Trên chiếc bàn, rất nhiều loại bánh được bày ra cho du khách chiêm ngưỡng và thưởng thức như bánh bò bông, bánh đúc, bánh da lợn, bánh chuối, bánh khoai mì với đủ màu sắc vô cùng hấp dẫn. Bánh cũng được bài trí theo phong cách dân dã: Đặt trên một cái xề tre, trên có lót lá chuối, ở giữa đặt một chén nước chấm ngọt.
Lấy một miếng bánh da lợn cho vào miệng, nam du khách liền quay sang người bạn đi cùng: “Bánh ngon và có mùi thơm lạ lắm, không giống bánh mình mua ở chợ, em ăn thử đi”. Nữ du khách liền ăn thử bánh và gật gù tỏ ra đồng tình. Hai người lần lượt thử từng loại bánh, luôn miệng khen ngon và không quên chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau khi được đã miệng với “búp phê” bánh dân gian, hai du khách chuyển sang trải nghiệm làm bánh khọt. Tất cả nguyên liệu làm bánh đã được bà Bảy Muôn chuẩn bị sẵn để khách tự tay đổ bánh và bà đứng cạnh bên hướng dẫn. Nam du khách chăm chú xem và dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc thú vị. Tiếng cười nói rôm rả cả căn nhà.
Bà Bảy Muôn vốn là một nông dân suốt ngày quanh quẩn ở Cồn Sơn. Thời gian gần đây, khi Cồn Sơn bắt đầu làm du lịch, bà Bảy được mọi người biết đến là một người làm được hơn 50 loại bánh dân gian ngon và vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống mà du khách gọi là “hương vị ngày xưa”. Rất nhiều du khách tìm đến Cồn Sơn không chỉ để du lịch mà còn muốn được thưởng thức bánh dân gian của bà Bảy Muôn.
Dù việc làm bánh theo kiểu truyền thống đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm, tỉ mỉ nhưng bà Bảy Muôn vẫn yêu thích và miệt mài theo đuổi. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Giữ trọn “hương vị ngày xưa”
Bà Bảy Muôn cho biết mỗi tháng bà tiếp đón khoảng 1.000 lượt khách đến thưởng thức bánh dân gian và trải nghiệm làm bánh. Ngôi nhà của bà lúc nào cũng có một số loại bánh dân gian sẵn để đãi khách. Tất cả các loại bánh ở đây đều được bà Bảy làm bằng thủ công và sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên có sẵn tại nhà. Công cụ làm bánh cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ cối xay bột đến khuôn làm bánh.
Theo bà Bảy Muôn, tất cả công thức làm bánh là do bà học được từ bà nội và người mẹ của mình. Từ nhỏ, những lúc bà nội và mẹ làm bánh, bà thường đến xem và làm phụ. Đến sau này, khi lớn lên và lấy chồng, bà vẫn duy trì thói quen làm bánh cho gia đình những lúc rảnh rỗi.
Do tay nghề khéo nên mỗi khi có đám tiệc, cưới xin là bà Bảy Muôn được mọi người mời đến làm bánh, từ những loại bánh đơn giản đãi khách đến những loại bánh đi mâm cưới bà đều làm được. Đến nay, với hàng chục năm kinh nghiệm, bà Bảy Muôn có thể làm được hầu như tất cả loại bánh dân gian Nam bộ như bánh lọt, bánh kẹp, bánh lá, bánh ú, bánh bèo… Tất cả đều được làm bằng công thức chính gốc của ông bà xưa; dụng cụ thủ công, màu sắc, hương vị thì sử dụng hoàn toàn tự nhiên từ những loại cỏ cây, hoa lá có sẵn tại vườn nhà như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, lá giang rừng, củ mì tinh… Vì thế, những chiếc bánh bà Bảy Muôn làm ra luôn giữ được hương vị truyền thống, chinh phục được khẩu vị của nhiều thực khách trong và ngoài nước.
“Khi tham gia vào làm du lịch, tôi không chú trọng vào việc kiếm tiền lắm mà cốt yếu là tôi muốn lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của ông bà ta. Ngày xưa ông bà dạy làm thế nào thì bây giờ tôi cũng làm y như vậy. Tôi làm bánh cho khách ăn giống như làm cho người trong nhà ăn” - bà Bảy Muôn tâm tình.
Bánh lọt tuyệt hảo
Một trong những món bánh khoái khẩu được du khách ưa thích là bánh lọt. Bánh lọt được bà Bảy Muôn làm từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở nhà mình chứ không sử dụng hóa chất. Theo đó, bà dùng củ mì tinh làm bột, lá dứa tạo màu, để tạo độ giòn con bánh khi chà trên vỉ lưới thì bà dùng lá giang rừng chứ không dùng hàn the, còn nước cốt thì bà dùng hoàn toàn nước cốt dừa chứ không sử dụng chất tạo béo. Cho nên khi ăn bánh lọt do bà Bảy Muôn làm, thực khách sẽ cảm nhận thấy một hương vị khác hoàn toàn so với bánh lọt bán ở chợ, cảm giác mềm mát khi từng con bánh đi qua cổ họng cùng với một mùi thơm sực nức lên mũi. Nói về bí quyết làm bánh, bà Bảy Muôn cho biết muốn làm được một cái bánh ngon thì khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Như với món bánh kẹp cuốn thì gạo dùng để làm bánh phải là gạo 504, nếu gạo quá dẻo thì bánh không được giòn, nếu gạo quá khô thì bánh không được ngon.
Bà Bảy Muôn chia sẻ bà và một số người dân Cồn Sơn đang ấp ủ kế hoạch mở chợ phiên bánh dân gian Nam bộ cho mọi người có cơ hội tìm hiểu và thưởng thức các loại bánh dân gian đặc sắc ở vùng đất này.
Nguyện giữ cái hay, cái đẹp cho cộng đồng “Có lần khách ăn xong họ khen bánh ngon và nhắn nhủ với tôi là nếu có dịp họ sẽ quay lại nhưng tôi hãy giữ nguyên cái mùi vị bánh như vậy, đừng làm khác đi. Khi nghe thế tôi rất vui mừng và tin rằng những gì mình đang làm là đúng. Những cái hay, cái đẹp thì phải được lưu giữ và ngày càng được phát huy” - bà Bảy Muôn. |