Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong sẽ sang Bắc Kinh vào ngày 6-11 tới và có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, báo SCMP dẫn thông tin từ chính quyền Hong Kong ngày 3-11.
Trước đó, ngày 29-10, chính quyền Hong Kong thông báo bà Lâm sẽ sang thăm TP Thượng Hải và thủ phủ Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) và sẽ trở về Hong Kong vào ngày 5-11. Trong thời gian ở Thượng Hải, bà Lâm dự kiến sẽ tham gia lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai, dự kiến sẽ có Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.
Sáng 3-11, văn phòng bà Lâm thông báo bà sẽ bay sang Bắc Kinh vào tối 5-11.
“Vào buổi sáng ngày kế tiếp bà ấy sẽ được phó thủ tướng của Hội đồng Nhà nước - ông Hàn Chính tiếp. Và vào buổi chiều bà ấy sẽ tham dự kỳ họp thứ ba của Nhóm lãnh đạo vì sự phát triển của khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau” - SCMP dẫn thông báo của văn phòng bà Lâm.
Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau là sáng kiến của chính phủ trung ương Trung Quốc nhằm biến Hong Kong, Macau và chín TP của Quảng Đông trờ thành các trung tâm tài chính và công nghệ, một dạng đối thủ của Thung lũng Silicon bên Mỹ vào năm 2025. Ông Hàn từng chủ trì hai kỳ họp của nhóm lãnh đạo vào tháng 8 năm ngoái và tháng 3 năm nay.
Bà Lâm dự kiến sẽ trở về Hong Kong ngày 7-11.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong lần gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính năm ngoái. Ảnh: THX
Đây sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa bà Lâm với Phó Thủ tướng Hàn - phụ trách vấn đề Hong Kong - kể từ khi đợt biểu tình ở Hong Kong bắt đầu hồi tháng 6.
Thông báo của chính quyền Hong Kong đến chỉ vài ngày sau khi các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc kỳ họp bốn ngày ở Bắc Kinh và ra một tuyên bố trong đó có đề cập về Hong Kong: cam kết bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua các biện pháp pháp lý.
Về thông tin bà Lâm sắp sang Bắc Kinh gặp ông Hàn, Hoàng Chi Phong - lãnh đạo đảng chính trị Demosisto dự đoán khả năng bà Lâm sẽ bị khiển trách vì tình hình biểu tình ở Hong Kong.
Ông Leung Che-cheung, một thành viên Hội nghị tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc - cơ quan cố vấn hàng đầu của đại lục - cho rằng bà Lâm sẽ báo cáo với các lãnh đạo Trung Quốc về tình hình mới nhất của Hong Kong nhưng không có khả năng bà Lâm sẽ bị yêu cầu từ chức.
“Từ các kết quả thăm dò ý kiến, lãnh đạo đặc khu rõ ràng phải làm nhiều hơn. Tôi cảm giác chính phủ cần làm việc tích cực hơn và bà ấy cần phải hiểu tình hình tốt hơn. Nhưng sẽ không đến mức bà ấy phải từ chức. Chẳng hạn, tới đây bà ấy phải cải thiện việc triển khai cảnh sát đối phó biểu tình” - ông Leung Che-cheung nhận định.
Cảnh sát Hong Kong đối phó biểu tình ngày 3-11. Ảnh: SCMP
Ông Lau Siu-kai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc chuyên nghiên cứu về Hong Kong và Macau, đoán ông Hàn sẽ đưa ra các đường hướng mới với bà Lâm, sau phiên họp toàn thể vừa rồi của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo nhà nước gặp bà Lam về khủng hoảng chính trị. Ông Hàn khả năng lớn sẽ nói với bà Lâm các quan điểm và chiến thuật và yêu cầu bà Lâm hợp tác” - SCMP dẫn lời ông Lau.
Ông Ip Kwok-him, một đại biểu Quốc hội Trung Quốc, cũng cho rằng: “Bắc Kinh phải truyền đạt quyết định và nguyên tắc đến các bên liên quan, trong đó có chính quyền Hong Kong”.
200 người biểu tình Hong Kong bị bắt trong ngày 2-11. Ảnh: SCMP
Cả hai ông Lau và Ip cho rằng chính phủ đại lục sẽ không từ bỏ ủng hộ với bà Lâm.
“Phong trào biểu tình đã đi xa hơn dự luật dẫn độ của bà ấy và nhắm vào sự cầm quyền của cả Hong Kong và Bắc Kinh. Đây không phải là lúc thích hợp để tái cấu trúc lại bộ máy chính quyền” - ông Ip nói.
Ông Lau cũng cho rằng bà Lâm vẫn sẽ duy trì ở vị trí cao nhất trong chính quyền Hong Kong, chừng nào bà còn muốn hợp tác với các chính sách của Bắc Kinh.
Đợt biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài hơn bốn tháng nhưng chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc dù chính quyền Hong Kong đã chính thức rút bỏ dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục xét xử - nguồn cơn dẫn đến biểu tình. Người biểu tình khẳng định sẽ chỉ chấm dứt biểu tình một khi toàn bộ năm điều kiện mình đưa ra được đáp ứng, như cải cách bầu cử, điều tra bạo lực biểu tình…, chứ không chỉ rút bỏ dự luật dẫn độ.