Nước Đức vào thời điểm hiện tại, cơ hội và rủi ro, tiềm năng và thử thách, phát triển hay lạc hậu, ổn định hay loạn lạc đều nhìn vào hai chữ “nhập cư”. Nhập cư đưa bà Merkel trở thành cứu tinh của hàng triệu người, trở thành “Nhân vật của năm 2015”, mở ra tiềm năng cho thị trường lao động Đức nói riêng và sức sống mới cho xã hội Đức nói chung.
Thế nhưng cũng “nhập cư” đã khiến tỉ lệ tín nhiệm của nữ thủ tướng giảm kỷ lục, đặt bà trước vô số chỉ trích, mở đường cho bảy đảng phái bước chân vào điện Bundestag ở Berlin. Việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi đàm phán chính phủ liên minh càng cho thấy chính trị Đức đang bước vào giai đoạn chia rẽ sâu sắc, trong đó không chỉ bao gồm cuộc chiến giữa sắc tộc, màu da, tôn giáo hay bản sắc mà còn là sự trỗi dậy của tham vọng từ các chính trị gia trẻ và quyết liệt mong muốn thay đổi.
Lãnh đạo của đảng FDP Christian Lindner, chỉ mới 38 tuổi, tuyên bố “thà không làm lãnh đạo hơn là làm lãnh đạo tồi” nhằm chuyển đến người dân Đức một lúc hai thông điệp: Phải xem xét lại hệ thống lãnh đạo hiện nay và sự thay thế đến từ những nhân tố “không đua quyền lực mà tập trung lợi ích nhân dân” như FDP.
Khó có việc FDP thay đổi quan điểm khi sự rút lui có vẻ đã được toan tính cẩn thận. Trong khi đó việc giải thể Quốc hội để tiến hành một cuộc bầu cử lại không tạo ra lợi thế cho bất kỳ bên nào, ngoại trừ đảng cực hữu AfD (Lựa chọn thay thế vì nước Đức). Nhiều người vẫn trông chờ vào khả năng đảng Dân chủ Xã hội SPD sẽ quay lại đàm phán liên minh nhưng đến lúc này không có dấu hiệu nào cho thấy điều này khả dĩ.
Khả năng khả dĩ nhất hiện nay là bà Merkel sẽ được tổng thống Đức đề cử làm thủ tướng trước khi được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Ngay cả trong trường hợp số phiếu tín nhiệm thắng tương đối (không quá bán), bà Merkel vẫn có thể tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, chấp nhận vận hành chính quyền thiểu số.
Bà Merkel có thể sẽ tiếp tục là thủ tướng Đức vì chưa có ứng viên nào có đủ năng lực và ảnh hưởng hơn vào lúc này. Tuy nhiên, các chính sách của bà sẽ gặp nhiều khó khăn.