Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa xử lại vụ “ôsin” trộm nhẫn kim cương tại thị xã Bạc Liêu, tuyên bác kháng cáo của người bị hại và y án sơ thẩm.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đây là vụ án gây tranh cãi về trách nhiệm của người mua nhẫn và giá trị của kim cương bị trộm. Tháng trước, tòa phúc thẩm đã từng phải hoãn xử vì người mua nhẫn bất ngờ bị bệnh.
Bán kim cương lấy... 20.000 đồng
Theo hồ sơ, ngày 12-4-2007, khi được ông Ngô Văn Em (Việt kiều Mỹ) thuê dọn dẹp nhà cửa, Hồng Mỹ Tho đã lấy trộm một chiếc nhẫn đính sáu viên kim cương nhỏ và một viên kim cương lớn 2,01 carat mà theo ông Em trị giá tới 19.000 USD (hơn 300 triệu đồng).
Sau đó, Tho đem nhẫn nhờ một tiệm vàng xem thì chủ tiệm bảo nhẫn giả. Tho cầm nhẫn về khoe với cháu là Trần Thị Tuyết Trinh. Trinh lấy nhẫn đem ra tiệm vàng Nga thử lại thì chủ tiệm nói là kim cương thật. Thế là Trinh về nói dối Tho là nhẫn giả để mua với giá... 20.000 đồng rồi đem bán cho chủ tiệm vàng Nga lấy 10 triệu đồng.
Thế rồi Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố Tho về tội trộm cắp tài sản, Trinh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhận hồ sơ, VKSND tỉnh này đã hai lần yêu cầu điều tra bổ sung để xác định giá trị kim cương bị trộm, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra khởi tố chủ tiệm vàng Nga về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, sau khi cơ quan điều tra viện dẫn luật để đẩy trách nhiệm khởi tố cho VKS thì VKS lại “chùn chân”, nhận định chủ tiệm vàng vô can.
Đầu năm nay, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt Tho và Trinh mỗi người 10 tháng chín ngày tù. Ngoài ra, tòa tuyên trả lại cho ông Em gần năm triệu đồng và vòng vàng mà Trinh đã mua bằng tiền bán nhẫn. Ông Em cũng được quyền kiện đòi bồi thường bằng một vụ kiện dân sự khác.
Không chấp nhận giá trị 19.000 USD
Ông Em đã kháng cáo rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi xử vắng mặt ông; tính sai giá trị kim cương dẫn đến định khung hình phạt sai đối với bị cáo; bỏ lọt người phạm tội khi không truy cứu trách nhiệm của chủ tiệm vàng; tách việc đòi bồi thường sai luật.
Tại phiên phúc thẩm, tòa bảo trách nhiệm chứng minh giá trị của viên kim cương 2,01 carat bị trộm thuộc về ông Em. Ông phải cung cấp hóa đơn thanh toán, giấy bảo hành của kim cương và phải chứng minh được giữa tờ giấy khai sinh, giữa chiếc nhẫn và viên kim cương bị mất có mối liên hệ với nhau.
Ông Em trình bày rằng tờ khai sinh của viên kim cương có giá trị quốc tế, tức viên kim cương bị mất có thật. Hơn nữa, hai kết luận giám định trong quá trình điều tra bổ sung cho biết kim cương loại 2,01 carat có giá 19.000 USD là hợp lý. Về hóa đơn, ông Em nói mua từ năm 2001 và thanh toán bằng thẻ tín dụng nên không thể lưu lại hóa đơn, còn tờ khai sinh cũng chính là giấy bảo hành của viên kim cương.
Chủ tiệm vàng Nga lại bảo: “Viên kim cương này nếu đẹp thì có giá rất cao nhưng nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy rất “bệnh” nên chỉ mua lại 10 triệu đồng, sau đó bán cho người khác với giá 700 USD”.
Cuối cùng, tòa kết luận không chứng minh được tờ khai sinh gốc là của viên kim cương 2,01 carat bị trộm, chưa kể giấy khai sinh cũng không phải là giấy xác nhận quyền sở hữu. Với chứng cứ trong hồ sơ, có cơ sở để chấp nhận viên kim cương trị giá 10 triệu đồng như tòa sơ thẩm đã kết luận.
Chủ tiệm vàng vô can
Bên cạnh đó, tòa nhận định việc không xử lý hình sự chủ tiệm vàng Nga là đúng vì khi mua nhẫn bà không biết đây là tài sản trộm cắp và tiệm vàng của bà cũng có chức năng mua kim cương để gia công.
Phía ông Em lại cho rằng chủ tiệm vàng biết rõ giá trị của viên kim cương và không có cơ sở nào để chứng minh sau đó đã bán cho người khác với giá 700 USD vì hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ gì. Hơn nữa, chính bà này lúc đầu đã chịu bồi thường cho ông 50 triệu đồng, tức là biết rõ viên kim cương có giá trị cao hơn 10 triệu đồng. Cạnh đó, ông còn “tố” cấp sơ thẩm mâu thuẫn khi vừa chấp nhận giá trị chiếc nhẫn là 10 triệu đồng vừa tách việc đòi bồi thường ra thành một vụ kiện khác.
Tuy nhiên, tòa vẫn giữ nguyên quyết định tách vụ án với nhận định tại phiên sơ thẩm, hai bên đã không tự thỏa thuận được và người bị hại cũng không chứng minh đầy đủ kim cương bị mất trị giá 19.000 USD. Về thủ tục xét xử, theo tòa, cấp sơ thẩm đã triệu tập đúng luật, ngày xử cũng diễn ra một ngày trước ngày visa của ông Em hết hạn. Về việc ông Em nói cấp sơ thẩm có thể đã làm giấy triệu tập sau để hợp thức hóa vì không ghi ngày tháng, còn biên bản nghị án lại ghi trước khi xử sơ thẩm hai năm, tòa cho rằng đó chỉ là những sai sót chính tả và lỗi đánh máy mà thôi.
Bắt nạn nhân tự chứng minh thiệt hại? Theo nhiều chuyên gia, cơ quan tố tụng phải làm rõ mọi vấn đề trong án hình sự, trong đó có giá trị thiệt hại. Đặc biệt, đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu, việc làm rõ giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng để định tội, định khung hình phạt. Theo Thông tư liên tịch số 02 năm 2001 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu), để xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm trong trường hợp tài sản bị xâm phạm không còn nữa, cơ quan điều tra cần lấy lời khai của những người biết về tài sản này để xác định đó là tài sản gì; nhãn, mác của tài sản đó thế nào; giá trị tài sản đó theo thời giá thực tế tại địa phương vào thời điểm bị xâm phạm là bao nhiêu; tài sản đó còn khoảng bao nhiêu phần trăm... Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng về giá trị tài sản bị xâm phạm. Như vậy, trách nhiệm chủ động làm rõ, kết luận về giá trị kim cương bị trộm thuộc về cơ quan tố tụng. Nhìn lại, nạn nhân khai kim cương giá 19.000 USD và đưa ra tờ khai sinh gốc của kim cương. Cơ quan điều tra cũng trưng cầu giám định và được trả lời với kim cương loại tương tự trên thị trường thì mức giá 19.000 USD là hợp lý. Tuy nhiên, những chứng cứ này đã bị hai cấp tòa sơ, phúc thẩm bác. Nhờ tòa chỉ tính kim cương trị giá 10 triệu đồng mà hai bị cáo chỉ bị phạt theo khoản 1 của các tội trộm cắp, lừa đảo (khung hình phạt đến ba năm tù) thay vì khoản 3 (khung hình phạt đến 15 năm tù). |
THANH LƯU