Bắc Kinh cảnh báo vụ 15 nghị sĩ Hong Kong đồng loạt từ chức

Hãng tin Channel News Asia ngày 12-11 cho biết chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo việc các nghị sĩ đối lập ở Hong Kong quyết định từ chức hàng loạt là một hành vi "thách thức trắng trợn" đối với chính quyền Bắc Kinh.

4 nghị sĩ bị sa thải, 15 nghị sĩ từ chức

Trước đó một ngày, toàn bộ nghị sĩ đối lập Hong Kong đã tuyên bố từ chức để phản đối việc quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép chính quyền đặc khu bãi nhiệm nghị sĩ và cách chức bốn đồng nghiệp của họ sau đó.

Nhà lập pháp Claudia Mo, một trong những nghị sĩ quyết định từ chức, cầm cây dù vàng và trả lời phỏng vấn của các nhà báo hôm 12-11. Ảnh: REUTERS

Cơ quan lập pháp Hong Kong ngày 12-11 trở nên vắng vẻ lạ thường khi hầu hết 15 thành viên đối lập đều không đến tham dự phiên họp thường kỳ. Một số sau đó đã nộp đơn từ chức, gây ra phản ứng dữ dội từ Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao ở Bắc Kinh.

"Hành động này một lần nữa cho thấy sự đối đầu ngoan cố của những người ủng hộ dân chủ, chống lại chính quyền Bắc Kinh và trắng trợn thách thức Trung Quốc. Chúng tôi lên án nghiêm khắc điều này" - đại diện chính quyền Trung Quốc tuyên bố.

"Chúng ta phải nói với những nghị sĩ đối lập rằng nếu họ muốn lợi dụng điều này để vận động một cuộc đấu tranh triệt để, tìm đến sự giúp sức của các thế lực nước ngoài, và một lần nữa kéo Hong Kong vào hỗn loạn, thì đó là một tính toán sai lầm” - chính quyền Bắc Kinh khẳng định.

Các nghị sĩ đối lập Hong Kong nắm tay nhau trong buổi họp báo tuyên bố từ chức hôm 11-11. Ảnh: REUTERS

Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã được trao quyền bãi nhiệm bất kỳ nghị sĩ trong cơ quan lập pháp nào mà bà cho là thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hong Kong, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền đối với Hong Kong, lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của thành phố hoặc có hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Vài phút sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết, bốn nghị sĩ đối lập lập tức bị bãi nhiệm gồm Alvin Yeung Ngok-kiu, Kwok Ka-ki và Dennis Kwok của đảng Dân sự, cùng nghị sĩ Kenneth Leung của Hội Nhà nghề, khiến cuộc họp của Hội đồng Lập pháp bị đình chỉ, làm dấy lên những lời chỉ trích cả trong và ngoài khu vực.

Cơ quan lập pháp Hong Kong ngày 12-11 trở nên vắng vẻ khi hầu hết 15 thành viên đối lập đều không đến tham dự phiên họp thường kỳ, một số sau đó đã nộp đơn từ chức. Ảnh: AP

Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau đó lên tiếng bảo vệ nghị quyết mới cho phép chính quyền Hong Kong bãi nhiệm nghị sĩ trong cơ quan lập pháp, khẳng định đây là một hành động "hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và cần thiết".

Dù thế, hàng loạt nghị sĩ đối lập lên tiếng chỉ trích quyết định này của chính quyền đặc khu. Một giảng viên tại Đại học Hong Kong dự đoán các quan chức thân với chính quyền Bắc Kinh giờ đây sẽ tận dụng lợi thế của việc không có phe đối lập trong cơ quan lập pháp để "thông qua nhiều luật lệ hà khắc hơn".

Đây là diễn biến đáng chú ý kể từ sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào giữa năm nay.

Từ sau khi luật an ninh quốc gia được áp lên Hong Kong, hàng triệu người đã xuống đường để phản đối chính quyền bà Lâm cũng như chính phủ Trung Quốc. Một số cuộc biểu tình còn biến thành những vụ bạo lực và phá hoại, khiến hơn 10.000 người bị bắt.

Canada sẵn sàng hỗ trợ người dân Hong Kong du học

Cùng ngày, chính phủ Canada khẳng định sẽ hỗ trợ những công dân trẻ tuổi ở Hong Kong học tập và làm việc ở Canada dễ dàng hơn trước đạo luật an ninh mà Trung Quốc áp đặt lên đặc khu, một động thái có khả năng làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ottawa với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne phát biểu trước truyền thông tại một cuộc họp nội các ở Ottawa, Canada vào ngày 14-9. Ảnh: REUTERS

“Thông báo hôm nay được đưa ra trong bối cảnh một số sự việc đang diễn ra nghiêm trọng liên quan đến Canada ở Hong Kong” - Bộ trưởng Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada Marco Mendicino nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Mendicino cho hay bất kỳ cư dân Hong Kong nào đã tốt nghiệp đại học trong ba năm qua đều có thể đăng ký làm việc đến ba năm tại Canada và sẽ được hỗ trợ chuyển đổi hộ chiếu sang thường trú nhân.

“Canada cũng sẽ đẩy nhanh các quá trình bảo lãnh để vợ, chồng, bạn đời và con cái của những người đến và xây dựng cuộc sống mới của họ ở Canada" - ông Mendicino chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada Marco Mendicino. Ảnh: AP

Bộ trưởng Canada cho biết những cá nhân vi phạm luật an ninh Trung Quốc hoặc bất kỳ luật lệ nào mà Canada không xét xử sẽ được tha bổng hoàn toàn khi Ottawa đánh giá yêu cầu xin tị nạn, thường trú nhân hoặc các giấy phép khác của công dân từ Hong Kong hay bất kỳ nơi nào khác.

Bộ trưởng Mendicino cũng cho hay số lượng đơn xin du học Canada từ Hong Kong vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt năm nay.

“Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ nữa chứ không thể tốt hơn tại Hong Kong” - một luật sư Hong Kong sống ở Canada chia sẻ, thêm rằng các bậc cha mẹ Hong Kong nên cân nhắc cho con em mình du học sang Canada.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hiện vẫn chưa đưa ra bình luận.

Vào tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu đã cảnh báo Ottawa không được cấp quyền tị nạn cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ vì ông cho rằng họ là "tội phạm” đe dọa đến "sức khỏe và sự an toàn" của 300.000 người mang hộ chiếu Canada sống ở Hong Kong.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã lên tiếng "kêu gọi những người có liên quan tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, ngăn chặn mọi hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong đó vấn đề ở Hong Kong".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm