Mang đồ quý gửi ngân hàng, khỏi lo mất trộm

Két sắt với hệ thống bảo mật thông qua mật mã, vân tay, chống trộm, chống cháy không còn quá xa lạ với mọi gia đình, khách sạn vì được nhiều người dân, doanh nghiệp tin dùng để cất giữ tài sản quý giá.

Thế nhưng chỉ đến khi những vụ trộm đột nhập vào nhà và phá két sắt để cuỗm đi hàng loạt tài sản quý giá thì không ít người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy hoang mang, không biết cất giữ gia tài quý giá của mình ở đâu cho an toàn tuyệt đối.

Khi giữ của trong két cũng không yên

Mới đây, ca sĩ Nhật Kim Anh (TP.HCM) bị kẻ trộm đột nhập vào nhà cạy phá hai chiếc két sắt và lấy trộm hàng loạt tài sản có giá trị gồm: 100 lượng vàng SJC, 500 triệu đồng, một nhẫn kim cương…, tổng trị giá tài sản hơn 5 tỉ đồng. 

Trước đó, ông Lee Gong Myung (quốc tịch Hàn Quốc, Tổng giám đốc Công ty TNHH YSL International) ở khu đô thị Ciputra, Hà Nội cũng bị kẻ gian đột nhập và đập phá két sắt để lấy đi khối tài sản rất lớn.

Trước những thông tin này, nhiều bạn đọc bình luận hỏi về cách gửi giữ tài sản sao cho an toàn nhất.

Từ vài năm trở lại đây, ngân hàng trong nước đã triển khai dịch vụ cho thuê két sắt và quản lý tài sản. Dịch vụ này đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cá nhân và tổ chức để đảm bảo sự an toàn cho những tài sản có giá trị như vàng bạc, đá quý, giấy tờ quan trọng, giấy tờ có giá…

Hiện một số ngân hàng đã nhận giữ các tài sản quý giá như tiền, vàng, kim cương, giấy tờ, tài liệu quan trọng… Ảnh: THÙY LINH

Đa dạng dịch vụ giữ tài sản quý

Dịch vụ két sắt đang được các ngân hàng triển khai với ba loại: kích thước nhỏ, trung và đại để khách hàng dễ dàng lựa chọn tùy theo nhu cầu. Giá thuê két dao động 155.000-340.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) tùy từng ngân hàng.

Trao đổi với nhân viên của Ngân hàng Sacombank, chúng tôi được biết dịch vụ thuê két đã được ngân hàng triển khai từ nhiều năm qua. Với những khách hàng thuê két sắt thì ngân hàng không cần liệt kê tài sản của khách hàng. Khách hàng thuê két và cất tất cả giấy tờ, tài sản quý giá mà cảm thấy mình giữ ở nhà không an tâm (miễn là không cất giữ những đồ mà pháp luật nghiêm cấm).

Đối với két sắt loại nhỏ (tương đương A4) có mức phí là 176.000 đồng/tháng và được phép kiểm tra tài sản 10 lần miễn phí, lần thứ 11 trở đi thì tính phí là 44.000 đồng/lần, mỗi lần kiểm tra có thời gian không quá 10 phút. Két sắt loại trung có mức phí là là 253.000 đồng/tháng và két sắt lớn là 341.000 đồng/tháng. Mỗi lần kiểm tra tài sản thì hai bên tiến hành niêm phong là hoàn tất thủ tục.

Trong khi đó, nếu khách hàng chọn lựa hình thức giữ hộ tài liệu quan trọng thì ngân hàng sẽ liệt kê từng loại giấy tờ mà khách hàng gửi vào. Mức phí của loại hình giữ hộ tài liệu sẽ được tính theo trọng lượng. Cụ thể, dưới 20 g là 55.000 đồng/tháng, 20-50 g là 88.000 đồng/tháng, từ 1 kg trở lên thì tính phí thỏa thuận nhưng tối thiểu là 550.000 đồng/tháng.

Còn với dịch vụ bảo quản tài sản, khi khách hàng muốn Sacombank giữ hộ vàng thì ngân hàng sẽ ghi số sêri, số lượng vàng miếng và có mức phí là 4.400 đồng/chỉ/tháng, tối thiểu thu tròn tháng là 55.000 đồng/tháng. Số lần kiểm tra tài sản đối với vàng không quá ba lần/tháng, từ lần thứ tư là 44.000 đồng/lần.

Trong khi Sacombank chỉ giữ vàng miếng và không giữ hộ kim cương, tiền mặt, ngoại tệ thì tại VietinBank lại nhận giữ tất cả các loại tài sản quý giá này. Với dịch vụ giữ hộ tài sản, cá nhân chỉ cần mang theo giấy tờ, hộ chiếu, CMND. Phí giữ hộ vàng là 2.200 đồng/chỉ/tháng, không giới hạn số lượng tối thiểu là bao nhiêu. Mỗi lần kiểm tra tài sản thì khách hàng chịu phí là 22.000 đồng.

Két sắt cũng được VietinBank chia làm ba loại với mức phí tương ứng từ 155.000 đồng/tháng, 220.000 đồng/tháng và 275.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch vụ két sắt chỉ có ở một số chi nhánh, còn dịch vụ giữ hộ tài sản thì chi nhánh nào cũng có.

Tương tự, tại BIDV, ngân hàng này cũng đã đầu tư xây dựng két sắt tại trụ sở tháp BIDV với nhiều kích cỡ khác nhau. Hệ thống két ứng dụng công nghệ đóng mở tự động bằng mã hóa, mật khẩu hoặc dấu vân tay và mật khẩu.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh cho biết: Thực tế việc đầu tư cho loại hình dịch vụ này rất tốn kém và phức tạp, phải đảm bảo độ an toàn cao nhất nên không có nhiều ngân hàng đầu tư. Dịch vụ két sắt phần lớn đều không phổ biến ở tất cả chi nhánh mà chỉ tập trung ở hội sở hoặc chi nhánh nào có diện tích đủ điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định về tiêu chuẩn an toàn. Chi phí mua sắm trang thiết bị rất lớn do phần lớn các thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Qua khảo sát của chúng tôi tại Sacombank vào ngày 24-7, được biết hiện ngân hàng chỉ còn két sắt loại nhỏ, két sắt loại trung và đại đều đã kín chỗ.

Lưu ý phí phạt trả chậm

Về mức phí phạt, Sacombank đưa ra biểu phí là 50% phí thuê nhưng chỉ tính theo ngày. Ví dụ, khách hàng chọn két sắt loại lớn nhất với mức phí là 341.000 đồng/tháng, khi chậm trả một tuần thì khách hàng sẽ phải đóng phí hằng tháng +40.000 đồng/bảy ngày. Phí phạt đối với dịch vụ thuê tủ (két) sắt hoặc gửi giấy tờ có quan trọng thì mức lãi phạt chậm trả của VietinBank là 20% trên tổng số phí trả chậm, tối thiểu là 50.000 đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm