Ngày 7-5, BCH Trung ương khai mạc hội nghị lần thứ 5 bàn về nhiều nội dung quan trọng mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá “đều là những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm”. Đó là: Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và đề ra phương hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất đai; xem xét quyết định một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; xem xét quyết định một số vấn đề về chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020; sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.
Chỉ Quốc hội mới có quyền lập hiến
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư nhấn mạnh sửa Hiến pháp lần này chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã chín muồi, có đủ cơ sở và được sự thống nhất cao.
Liên quan bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước, Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm đã được thể hiện trong Cương lĩnh và Hiến pháp hiện hành, theo đó khẳng định không theo mô hình tam quyền phân lập. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội vẫn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đất đai: Nhiều câu hỏi phải giải đáp
Về chính sách pháp luật đất đai, Tổng Bí thư đánh giá đây là lĩnh vực rất rộng lớn, hết sức phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Cần tập trung làm rõ vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai? Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và Luật Đất đai năm 2003? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập, quy định chồng chéo, mâu thuẫn; đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước?...
Trên cơ sở trả lời các câu hỏi trên, Trung ương cho định hướng đổi mới, hoàn thiện pháp luật, chính sách đất đai, chú ý tới các vấn đề vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn: Chế độ và hình thức sở hữu đất đai; chính sách giao đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; quyền hạn của chính quyền các cấp, nhất là trong việc quy hoạch, sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi; giải quyết khiếu kiện về đất đai và điều tiết giá cả, lợi ích của các bên tham gia thị trường bất động sản…
Tìm gốc rễ của tham nhũng
Về vấn đề tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hoạt động tín dụng, ngân hàng, công tác tổ chức, cán bộ...
Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải tìm ra những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí; trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt.
Đối với đề án một số vấn đề về tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề cấp bách cần và có thể điều chỉnh ngay trong năm 2012-2013 như: Điều chỉnh lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lao động trong khu vực DNNN; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và của người lao động trong các DNNN; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và BHXH...
Có thể có chất vấn tại hội nghị Trung ương Trong ngày đầu tiên của hội nghị, Trung ương đã nghe Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo về Hiến pháp; nghe Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai. Một điểm chung ở hai báo cáo này là Trung ương sẽ thảo luận các quan điểm khác nhau về vấn đề sở hữu đất đai, trong đó có ý kiến cho rằng cần đa dạng hình thức sở hữu. Tuy nhiên, như phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư khẳng định, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hội nghị lần này dự kiến kéo dài chín ngày, trong đó ngày cuối cùng 15-5 có thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, có thực hiện hay không còn tùy thuộc vào việc có câu hỏi chất vấn hay không. |
NGHĨA NHÂN