Báo chí chống tham nhũng rất rủi ro

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Báo chí với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” do báo Nhân dân, Hội Nhà báo và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 28-4.

Luật sư Phan Trung Hoài: "Đối với nhà báo chống tham nhũng, ranh giới tác nghiệp và phạm tội là rất mong manh"

Luật sư Hoài là người có nhiều kinh nghiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà báo khi họ vướng vào tố tụng. “Khi chống tham nhũng, các nhà báo gặp nhiều rủi ro vì đối tượng tham nhũng có quyền lực và những mối liên hệ lợi ích chồng chéo” - luật sư Hoài nhận định.

Theo luật sư Hoài, các nhà báo khi chống tham nhũng phải nắm chắc pháp luật, đặc biệt là Điều 25 Luật Báo chí quy định về những gì nhà báo được làm và Điều 9 quy định về những điều cấm.

“Khi bào chữa cho một nhà báo của Tuổi Trẻ, điều khó khăn nhất là làm sao để xác định ranh giới giữa tác nghiệp báo chí và vi phạm pháp luật. Bởi nếu không nắm chắc pháp luật PV rất dễ bị biến thành người đưa hối lộ” - luật sư Hoài nói.

Thông tin tổng quát, luật sư Hoài cho biết tại tòa án các cấp, số lượng các tổ chức, cá nhân kiện báo chí đang tăng lên.

PGS-TS Nguyễn Văn Dững - người nhiều năm giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đặt vấn đề: “Tham nhũng, lợi ích cấu kết từ bên trên, vậy phải dựa vào đâu để chống tham nhũng?", rồi chính ông trả lời: "Phải dựa vào dân”.

Từ kinh nghiệm của mình, TS Dững cho rằng trong dư luận thì có dư luận báo chí và dư luận xã hội. Dư luận báo chí có thể sai nhưng dư luận xã hội thì luôn đúng. “Nếu muốn dựa vào dân thì đặc biệt phải quan tâm đến báo chí. Dựa vào dân chống tham nhũng cũng chính là dựa vào báo chí” - TS Dững nói.

TS Nguyễn Văn Dững: "Chống tham nhũng phải dựa vào dân và báo chí"

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận định đối với tham nhũng, báo chí có nhiều vai trò: phát hiện tội phạm tham nhũng; phát hiện những sai sót trong tố tụng và định hướng dư luận đối với các vụ án tham nhũng.

“Nếu báo chí đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của nhân dân thì đó là điều rất tốt. Dư luận báo chí, dư luận xã hội gây ra áp lực rất mạnh, cho các cơ quan pháp luật” - ông Độ cho hay.

Tuy vậy, ông Độ cũng nói: “Có những vụ việc dư luận xã hội, báo chí không thật chính xác dẫn đến những kết quả không chính xác của tòa án. Giờ tôi nghĩ lại nếu dư luận chính xác hơn thì kết quả sẽ khác”.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ: "Dư luận báo chí là rất mạnh đối với các cơ quan tố tụng"

“Chúng tôi xét xử mà không có dư luận báo chí, thẩm phán xét xử, chánh án TAND kháng nghị đều phải lắng nghe dư luận báo chí. Tuy nhiên, việc thông tin của PV ở thời điểm nào, ở phạm vi nào thì lại là vấn đề” - ông Độ nói thêm.

Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian qua, các cơ quan báo chí đã nêu ra được rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“PV giữ vai trò vừa là người quan sát, phản ánh ý kiến của nhân dân. Nhưng liệu PV có đảm nhiệm vai trò của điều tra viên hay không và nếu như vậy thì PV phải được hỗ trợ về nghiệp vụ và phải hiểu sâu, nghiên cứu sâu chức năng điều tra này” - ông Nhân đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Nhà báo có những khó khăn đặc thù khi chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí"

Nói về ý nghĩa của hội thảo, ông Nhân cho hay: “Hội thảo sẽ làm rõ đặc thù của nhà báo trong việc khai thác thông tin, những khó khăn của nhà báo trong việc thực thi nhiệm vụ, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Từ đó đưa ra giải pháp để nhà báo hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ được giao”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.