Làn sóng biểu tình bạo động ở Pháp sau sự việc nam thiếu niên 17 tuổi da màu tên Nahel M. bị cảnh sát bắn chết vì không tuân thủ hiệu lệnh dừng khi đang vi phạm giao thông đã kéo dài gần một tuần và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Các cuộc đụng độ giữa hàng chục ngàn cảnh sát và người biểu tình phần lớn là thanh niên vẫn đang diễn ra căng thẳng và nguy hiểm ở nhiều TP lớn, trong đó nghiêm trọng là ở TP Marseille và thủ đô Paris, theo đài NPR.
Bạo động vẫn căng
Hiện tình hình bạo động ngày 2-7 và rạng sáng 3-7 có phần dịu xuống. Tình trạng đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ít hơn so với các ngày trước. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng cho biết vẫn diễn ra cảnh các nhóm lớn người biểu tình khiêu khích các hàng rào cảnh sát vũ trang rồi bỏ chạy để cảnh sát đuổi theo, mà họ mô tả giống trò chơi “mèo vờn chuột”. Diễn biến này xảy ra nhiều ở TP Marseille.
Cảnh sát Pháp xếp xe tải và dựng hàng rào ngăn người biểu tình ở thủ đô Paris ngày 3-7. |
Tại một số tuyến đường lớn ở Paris, cảnh sát đỗ các xe tải ngăn cản người biểu tình di chuyển, dùng hơi cay giải tán các nhóm lớn hơn trong khi máy bay trực thăng bay lượn trên đầu theo dõi nhất cử nhất động của đám đông.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang điều tra một vụ ám sát nhắm vào nhà một xã trưởng tại xã L’Haÿ-les-Roses thuộc ngoại ô Paris. Xã trưởng Vincent Jeanbrun kể lại vợ và con ông lúc đó đang ở một mình thì có kẻ phóng xe đâm thẳng vào nhà và phóng hỏa. Vợ và con ông sau đó tiếp tục bị hành hung khi tìm cách thoát thân. Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne lên án vụ tấn công “đặc biệt gây sốc”, kêu gọi phải có hình phạt nghiêm khắc đối với thủ phạm.
Hãng tin Reuters dẫn lời Cảnh sát trưởng thủ đô Paris Laurent Nunez cho biết thiệt hại do làn sóng biểu tình bạo động những ngày qua rất lớn, rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp bị đập phá và lấy trộm đồ. Ông khẳng định sẽ tiếp tục huy động lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ trị an trong thời gian tới.
Thiệt hại lớn
Làn sóng biểu tình bạo động lan rộng khắp nước Pháp trong tuần qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và dịch vụ bán lẻ, trong bối cảnh nước Pháp đang bước vào cao điểm mùa du lịch hè 2023, theo đài CNN.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà tuyển dụng thuộc ngành công nghiệp khách sạn và ăn uống Pháp Thierry Marx cho biết nhiều khách sạn trong nước đã phải nhận vô số cuộc gọi hủy đặt phòng.
Ông Marx cho biết hằng ngày ông đều nhận được thông tin các thành viên của hiệp hội, bao gồm các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê, trở thành nạn nhân của “các cuộc tấn công, cướp bóc và phá hủy hoạt động kinh doanh”. Ông Marx kêu gọi các nhà chức trách phản ứng mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo an toàn cho ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống tại các điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới.
Tương tự, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Bán lẻ Pháp (FCD) Jacques Creyssel kêu gọi lực lượng cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Theo ông, các cuộc bạo động “đã làm nảy sinh những cảnh cướp bóc thực sự”, với “hơn 100 cửa hàng thực phẩm hoặc dịch vụ cỡ vừa và lớn bị phá hoại, cướp bóc hoặc thậm chí bị đốt cháy”. Những sự cố “cực kỳ nghiêm trọng” này gây tổn thất vô cùng to lớn. FCD trực tiếp yêu cầu Bộ Kinh tế, Bộ Nội vụ và Bộ Thương mại cần hành động nhanh chóng hơn.
Làn sóng biểu tình bạo động phản đối việc thiếu niên Nahel M. bị bắn chết đã lan sang nước láng giềng như Bỉ và Thụy Sĩ cuối tuần qua. Nhiều nhóm biểu tình ở các nước này đã xuống đường tuần hành và đập phá, sử dụng vũ khí như bom xăng và gậy gộc. Ít nhất 60 người đã bị bắt giữ ở Thụy Sĩ, theo hãng tin AFP.
Tổng thống Macron bận rộn xử lý
Tình trạng bạo lực cảnh sát và sự phân biệt sắc tộc, chủng tộc, kinh tế - xã hội từ lâu đã khiến các cộng đồng thiểu số ở Pháp tức giận. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm xảy ra một làn sóng bạo loạn nghiêm trọng thế này liên quan đến cáo buộc bạo lực cảnh sát và phân biệt sắc tộc. Phản ứng dữ dội của người dân lần này dường như đã khiến chính quyền bất ngờ, theo NPR.
Thách thức kiểm soát tình hình với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron lúc này là rất lớn, nhất là khi ông vừa “thoát khỏi” cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu kéo dài hàng tháng trong nửa đầu năm nay. Tờ Le Monde dẫn lời một số chuyên gia nhận định phản ứng của chính phủ là rất kịp thời, khi nhanh chóng thừa nhận sai lầm của viên cảnh sát bắn chết thiếu niên Nahel M. và lên án vụ việc.
Trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, Tổng thống Macron đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Đức vốn dự kiến bắt đầu vào ngày 2-7. Lên án vụ giết hại thiếu niên Nahel M. là “không thể chấp nhận được” song ông Macron cũng kêu gọi các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm khi con em mình tham gia vào làn sóng biểu tình bạo động những ngày qua.
Theo tờ Financial Times, ông Macron và nội các trong tối 2-7 đã họp bàn giải pháp chấm dứt bạo động. Chưa rõ giải pháp đề ra là gì song một nguồn tin nội bộ cho biết ông Macron đã chỉ đạo Thủ tướng Élisabeth Borne, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gérald Darmanin và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Éric Dupond-Moretti “tiếp tục làm mọi thứ có thể để thiết lập lại trật tự và khôi phục bình yên”.
Dự kiến trong ngày 3-7 (giờ địa phương), ông Macron sẽ tiếp tục họp với các lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Pháp và thị trưởng của 220 TP và thị trấn bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình bàn hướng chấm dứt tình trạng bạo động.•
Nhiều nước lên tiếng quan ngại
Trước tình hình căng thẳng ở Pháp, nhiều nước bày tỏ sự quan ngại và cảnh báo công dân.
Theo tờ China Daily, ngày 2-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) và Đại sứ quán TQ tại Pháp nhắc nhở công dân chú ý tình hình an ninh, tránh các khu vực có bạo động. Đại sứ quán cũng yêu cầu những người TQ đang du lịch ở Pháp cảnh giác và thận trọng khi ra ngoài đường. Tối 30-6, một xe buýt chở 31 du khách TQ tại TP Marseille (Pháp) đã bị người biểu tình tấn công. Năm người bị thương. Lãnh sự quán TQ tại TP Marseille đã gửi công hàm tới phía Pháp, yêu cầu giới chức Pháp đảm bảo an toàn cho công dân TQ và tài sản của họ.
Ngày 2-7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông lo ngại về làn sóng bạo động ở Pháp và “hy vọng tổng thống Pháp sẽ tìm cách nhanh chóng cải thiện tình hình”.
Trên Twitter ngày 2-7, Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi công dân cân nhắc “các chuyến đi không cần thiết tới Pháp”, khuyến nghị công dân ở Pháp tránh “các khu vực xung đột”, theo hãng tin AFP.