Tính tới ngày 16-9 (giờ Mỹ), đã có ít nhất 16 người thiệt mạng vì bão Florence ở bờ Đông Mỹ. Trong đó có 10 người ở bang North Carolina và sáu người ở bang South Carolina - hai bang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão được cho là mạnh nhất trong 64 năm qua, Reuters dẫn số liệu từ nhà chức trách hai bang.
Bão Florence đổ bộ vào bang North Carolina ngày 14-9 (giờ Mỹ), gây mưa lớn trên diện rộng ở hầu hết bang này và phần phía Đông bang South Carolina. Chỉ tính riêng tại bang North Carolina, lượng nước mưa đo được đã lên đến 100 cm, vượt kỷ lục 61 cm của bão Floyd năm 1999. Tại TP Leland, bang North Carolina, biển nước bao vây nhiều ngôi nhà và công ty, nhấn chìm các biển báo giao thông.
Người dân cố thoát ra khỏi một chiếc xe ngập trong nước ở TP Wilmington, bang North Carolina (Mỹ). Ảnh: CBS NEWS
Cảnh sát và các tình nguyện viên đã phải dùng tàu để giải cứu người dân bị mắc kẹt trong lụt. Hơn 900 người đã được cứu khỏi dòng nước lũ đang dâng cao và 15.000 người khác đang sống tại các nơi trú ẩn.
Hơn 641.000 căn nhà và công ty đã mất điện tại hai bang North Carolina, South Carolina và các bang lân cận.
Ngập lụt vì bão Florence ở TP Fayetteville, bang North Carolina (Mỹ). Ảnh: GETYY IMAGES
Nhà chức trách hai bang cảnh báo hậu quả xấu nhất vẫn còn ở phía trước, khi nước ở các con sông vẫn tiếp tục dâng. Vài con sông dự kiến sẽ dâng cao đỉnh điểm vào ngày 17-9 hoặc 18-9. Ông Henry McMaster - Thống đốc bang South Carolina đốc thúc những người dân sống trong khu vực có thể bị lũ nhanh chóng sơ tán.
Lực lượng cứu hộ ở TP Fayetteville, bang North Carolina (Mỹ). Ảnh: AP
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý chi quỹ liên bang để khắc phục hậu quả của bão Florence. Đồng thời, ông Trump có kế hoạch sẽ đi thăm các khu vực bị ảnh hưởng trong tuần này.
Theo Trung tâm bão Quốc gia Mỹ (NHC), tâm bão Florence hiện ở phía Tây TP Raleigh, bang North Carolina và đang di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ 22 km/giờ. Sức gió gần tâm bão đã giảm còn 55 km/giờ. Dự kiến ngày 18-9 (giờ Mỹ) bão sẽ chuyển hướng Đông đi qua vùng New England.