Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18-3 cho thấy đương kim Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa đắc cử với số phiếu áp đảo. Chiến thắng này đồng nghĩa ông Putin sẽ lần nữa dẫn dắt người dân đất nước rộng lớn nhất thế giới.
Nhằm tìm ảnh hưởng của chiến thắng này với đường lối đối ngoại tới đây của Nga cũng như thách thức thật sự của ông Putin, hãng tin Sputnik (Nga) đã có cuộc trao đổi với GS Vladimir Golstein thuộc tổ chức nghiên cứu Slavic.
Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhưng sẽ phải đối mặt thách thức lớn từ đối nội. Ảnh: SPUTNIK
Khi được hỏi liệu kết quả bầu cử ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Nga-Anh đang rất cao, GS Golstein cho rằng sẽ không có thay đổi gì trong chính sách đối ngoại của ông Putin. Theo ông, vì được sự tín nhiệm chưa từng thấy từ người dân và được họ đồng lòng với các chính sách của mình, ông Putin sẽ không có lý do gì phải cúi mình trước Anh hay Mỹ. Chưa kể, ông Putin biết rõ nếu làm vậy còn có nguy cơ mất đi sự yêu mến và ủng hộ.
Theo GS Golstein, các hành động đối đầu từ các chính phủ nước ngoài, như từ Anh, Mỹ cũng như một số nước khác đã kéo người dân đứng về phía ông Putin. Có thể nói đa số người dân Nga đồng ý với ông Putin về chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, thách thức thật sự của ông Putin lại nằm ở đối nội, khi làn sóng phản đối tham nhũng, bất mãn tăng trưởng thấp vẫn đang rất cao. Theo GS Golstein, về lâu dài và có thể là ở cuộc bầu cử tổng thống tới nữa, chính sách đối nội chứ không phải đối ngoại mới là yếu tố quyết định. Người dân Nga sẽ ngày càng ưu tiên hơn đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập, bình đẳng xã hội. Nếu ông Putin giải quyết được các vấn đề này, ông hoặc đảng Nước Nga thống nhất của ông sẽ có cơ hội ở lần bầu cử tới, bằng không sẽ phải gặp khó khăn lớn.