Bắt đầu đàm phán khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

(PLO)- Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dự kiến sẽ xoáy sâu vào hợp tác và củng cố chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn thương mại, công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 8 và 9-9 (giờ địa phương), bộ trưởng Bộ Thương mại 14 nước tập trung tại TP Los Angeles (Mỹ) bắt đầu vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên tham gia sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) vì thịnh vượng (IPEF). Sáng kiến này được Mỹ đề xuất hồi tháng 5 nhằm mục đích có thêm mũi nhọn đối trọng với ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực, theo đài NHK.

IPEF hứa hẹn hợp tác chặt chẽ trong và ngoài khu vực

Theo nội dung dự thảo thông cáo chung sau vòng đàm phán đầu tiên này, một trong bốn trọng điểm được các bộ trưởng chú ý sẽ là sự bền vững của chuỗi cung ứng những mặt hàng chủ chốt như vật liệu bán dẫn. Đại dịch COVID-19 và tiếp sau là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu thiếu sức bền khi bị đặt vào tình huống khẩn cấp.

14 nước đàm phán tham gia IPEF gồm Mỹ, Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và VN.

Dự kiến các bộ trưởng sẽ thảo luận về phương thức định hình bộ khung pháp lý và các công tác chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung bán dẫn, tài nguyên và thực phẩm gặp trở ngại. Một trong những đề xuất là mỗi nước tham gia IPEF sẽ thành lập một cơ quan điều phối nhằm chia sẻ thông tin về nước nào đang thiếu những nguồn cung nào, từ đó cải thiện tốc độ hỗ trợ và giữ cho chuỗi cung ứng không đứt gãy.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng khác, như những quy định thương mại tiêu chuẩn cao, bao gồm việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, hạ tầng, năng lượng sạch, thuế và phòng chống tham nhũng.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, một trong những quan chức tham gia đàm phán, cho hay Mỹ muốn thông qua IPEF thiết lập những quy tắc nhằm mang lại thịnh vượng cho khu vực AĐD - TBD.

“Điều chúng tôi thực sự muốn làm thông qua quan hệ đối tác với các thành viên là đặt ra những quy tắc để mọi thành viên đều có cơ hội phát triển tính bền vững và duy trì sự thịnh vượng cho nền kinh tế của họ, từ đó củng cố ổn định và phát triển toàn khu vực” - bà Tai nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong bài phát biểu mở màn cuộc họp IPEF vào ngày 8-9. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong bài phát biểu mở màn cuộc họp IPEF vào ngày 8-9.
Ảnh: NHÀ TRẮNG

Giới chuyên giađặt nhiều kỳ vọng

Tờ The Nikkei dẫn lời một số chuyên gia nhận định IPEF ở thời điểm hiện tại là một công cụ để Mỹ gia cố mạng lưới đồng minh và tăng gắn kết với các đối tác ở châu Á. Washington muốn thông qua sáng kiến này điều chỉnh những điểm yếu về mặt kinh tế và thương mại trong chiến lược AĐD - TBD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố hồi tháng 2.

Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI) Wendy Cutler cho rằng IPEF sẽ mở đường cho sự tái can dự của Mỹ về kinh tế ở AĐD - TBD, sau khi nước này rời khỏi Hiệp định đối tác xuyên TBD (TPP) - tiền thân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên TBD (CPTPP) hiện nay.

Chuyên gia này chỉ ra một trong những ưu điểm của IPEF là tính mở của sáng kiến. Các đối tác IPEF không nhất thiết phải tham gia tất cả trụ cột, mà có thể lựa chọn tham gia một số trụ cột nhất định phù hợp với điều kiện quốc gia. Điều này giúp cho IPEF trở thành một cơ chế hợp tác linh hoạt và mở hơn so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống. Bên cạnh đó, việc thiết lập IPEF cũng khác với các FTA truyền thống - vốn thường mất nhiều năm đàm phán và yêu cầu tất cả các nước tham gia phải phê chuẩn.

“IPEF là cách tiếp cận thận trọng và có quy trình của Mỹ. Việc đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế khiến các nước tham gia không bị buộc phải vào thế chọn phe giữa lúc các cường quốc đang cạnh tranh quyết liệt ở AĐD - TBD” - theo bà Cutler.

Khi công bố IPEF hồi tháng 5, Mỹ đã nhấn mạnh tám lĩnh vực cụ thể mà sáng kiến chú trọng là hòa bình - ổn định; COVID-19 và an ninh y tế toàn cầu; cơ sở hạ tầng; khí hậu; an ninh mạng; công nghệ quan trọng và mới nổi; học bổng giáo dục; không gian và hàng hải.•

Quan điểm của Việt Nam về IPEF ra sao?

Tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) hồi tháng 5, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm về sáng kiến IPEF do Mỹ đề xuất. Theo đó, VN sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào các trụ cột chính nhằm đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

VN cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, bổ trợ cho các liên kết kinh tế đã có.

Với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, VN cũng đã tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm