Trong một bài viết cho tạp chí The National Interest ngày 28-12, GS Robert Farley thuộc ĐH Kentucky (Mỹ) nhận định Trung Quốc nhiều năm nay đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông thông qua việc mở rộng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép.
Các công trình quân sự này sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kiểm soát toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.
Các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh do tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cung cấp)
Tuy nhiên, chuyên gia Farley cho rằng các “căn cứ nổi” này không thật sự có giá trị như Bắc Kinh vẫn dự liệu và chỉ có ý nghĩa chính trị nhất thời hơn là mang lại lợi thế quân sự vượt trội.
“Khi sở hữu những căn cứ trên biển Đông, không thể phủ nhận Trung Quốc có thể khiến hoạt động tuần tra, tự do hàng hải của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng nếu xung đột xảy ra, sẽ không quá khó để Không quân và Hải quân Mỹ tiêu diệt những cơ sở này” - GS Robert Farley nhận định.
Dẫn ra trường hợp các căn cứ quân sự mà Nhật Bản xây dựng trên Thái Bình Dương trong Thế chiến II, GS Robert Farley cho rằng một khi bị cô lập, các “bàn đạp quân sự” trên biển Đông của Trung Quốc tốn công, tốn của xây dựng sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn.
Lúc này Nhật Bản - như Trung Quốc bây giờ, cũng nhận ra việc kiểm soát các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi thế quân sự quan trọng. Tuy nhiên đến cuối cùng, chính những hòn đảo này đã trở thành gánh nặng cho Nhật Bản khi Mỹ và đồng minh tập trung lực lượng đánh chiếm từng đảo một, buộc nước này phải từ bỏ tham vọng và cuối cùng thất bại.
Hiện Trung Quốc đã cho thiết lập hệ thống bệ phóng tên lửa ở các bãi đá Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm nhằm mục đích đặt phần lớn khu vực biển Đông vào tầm tấn công của nước này.
Loại tên lửa mà Trung Quốc đưa ra biển Đông là hệ thống đất đối không (như HQ-9 và nhiều khả năng sẽ là tổ hợp S-400 của Nga trong tương lai) cùng tên lửa hành trình trên bộ. Đây là những vũ khí có khả năng đe dọa nhiều loại tàu chiến, chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang được đặt trên các thực thể nhân tạo giữa biển mà không có bất kỳ biện pháp phòng thủ nào.
“Tên lửa phóng từ đất liền sở dĩ có thể sống sót trước các cuộc không kích vì chúng được sự che chắn tự nhiên từ cây cối, núi đồi. Còn trong trường hợp này, Trung Quốc thiếu các lớp phòng thủ tự nhiên nên các thực thể nhân tạo trên sẽ khó lòng trụ nổi trước một đợt tấn công phối hợp” - GS Farley phân tích.
Lính Trung Quốc hiện diện trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS
Về lý thuyết, bên cạnh tên lửa, một số sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông cũng có thể hỗ trợ quân đội nước này dễ dàng định vị và tiêu diệt mục tiêu từ xa với khoảng cách tương đương tên lửa hành trình, nhờ vào hệ thống máy bay tuần tra, chiến đấu dày đặc.
Dù vậy, những lợi thế này một lần nữa rất dễ vô hiệu hóa một khi có xung đột bằng một đợt tấn công phủ đầu với tên lửa tầm xa và các đợt tấn công tổng hợp.
Trong môi trường tác chiến giữa biển, việc triển khai các đơn vị công binh từ đại lục ra vừa sửa chữa nhanh các sân bay, vừa phải chống đỡ những đợt tấn công sẽ rất khó khăn trong điều kiện nguồn lực có hạn của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc phải liên tục giữ cho các công trình quân sự này đầy đủ đạn dược và nhu yếu phẩm sẽ là một gánh nặng cho quân đội Trung Quốc trong xung đột kéo dài khi các tàu tiếp tế hoàn toàn có thể bị Hải quân Mỹ đánh chìm giữa biển.
So với các bệ phóng tên lửa hay sân bay, tổ hợp radar của Trung Quốc trên biển Đông thậm chí còn dễ bị tấn công hơn. Với các điểm yếu cố hữu như khó di chuyển, khó che giấu, radar dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân đội Mỹ như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng hoặc tác chiến điện tử.
Nhìn chung, toàn bộ năng lực quân sự của những thực thể nhân tạo Trung Quốc ở biển Đông bị phụ thuộc nặng nề vào công tác hậu cần từ đại lục. Các căn cứ tưởng chừng “bất khả xâm phạm” này lại rất dễ cô lập vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn.
Khi xung đột xảy ra, việc duy trì khả năng chức năng liên lạc, tiếp tế và hậu cần sẽ là rủi ro và thách thức lớn cho Trung Quốc.