Trải qua năm vòng bỏ phiếu nội bộ giữa các nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã trở thành hai ứng cử viên chính thức tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và hình thành một cuộc đua song mã nhằm kế nhiệm ông Boris Johnson làm thủ tướng tiếp theo của Anh.
Ngoại trưởng Liz Truss (phhải) và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. Ảnh: GETTY IMAGES |
Trước đó vào hôm 7-7, ông Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và chức thủ tướng Anh, trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông từ chức để phản đối nhà lãnh đạo này.
Ban đầu, có tổng cộng mười một ứng viên thông báo tranh cử vị trí lãnh đạo, nhưng trong vòng bỏ phiếu mới nhất của các nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh vào hôm 20-7 chỉ còn lại hai ứng viên sáng giá là ông Sunak với 137 phiếu ủng hộ và bà Truss nhận được 113 phiếu, theo hãng tin Reuters.
Sau khi có kết quả vòng bỏ phiếu, bà Truss đã bày tỏ sự cảm ơn đối với các nghị sĩ đã ủng hộ bà và khẳng định bà “đã sẵn sàng để đạt được mục tiêu ngay từ ngày đầu tiên” trở thành thủ tướng.
Các nghị sĩ ủng hộ bà Truss cho rằng nữ Ngoại trưởng có có thể điều hành hiệu quả ngay từ ngày đầu tiên trở thành thủ tướng, với kế hoạch phục hồi nền kinh tế bằng cách cắt giảm 30 tỉ bảng Anh (36 tỉ USD) tiền thuế. Đồng thời, lập trường cứng rắn của bà đối với Nga, Trung Quốc và với Brussels về Brexit cũng sẽ nằm trong chương trình vận động tranh cử của bà trong những ngày tới.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak nói rằng: "Tôi rất biết ơn vì các đồng nghiệp đã đặt niềm tin vào tôi ngày hôm nay. Tôi sẽ làm việc ngày đêm để đưa thông điệp của chúng ta đi khắp đất nước”.
Ông Sunak được đánh giá là một ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Anh trong thời gian dài. Nếu giành chiến thắng trước bà Truss, ông Sunak, 42 tuổi, sẽ là thủ tướng trẻ nhất trong hơn 200 năm qua và là nhà lãnh đạo gốc Nam Á đầu tiên của nước Anh, theo hãng AP.
Hầu hết những người theo Đảng Bảo thủ đều ủng hộ quan điểm Brexit của ông, song một số nghi ngờ ông cố tình tạo ra chuỗi sự kiện dẫn đến việc Thủ tướng Johnson từ chức bằng việc nộp đơn từ chức bộ trưởng tài chính vào đầu tháng 7.
Ông Sunak luôn kiên định trong lập trường phản đối việc cắt giảm thuế, thay vào đó lập luận rằng giảm lạm phát leo thang là ưu tiên hàng đầu của nước Anh. Tuy nhiên, ông cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì một số thất bại dưới sự lãnh đạo của ông Johnson, bao gồm việc vi phạm lệnh phong toả COVID-19 và những cáo buộc về thuế liên quan tới vợ ông.
Dù vậy, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cựu Bộ trưởng Tài chính đã giành được sự mến mộ của công chúng vì đã giúp chèo lái nền kinh tế Anh trong thời gian khủng hoảng này cũng như đưa ra gói tài trợ và cho vay chưa từng có để cứu cánh các doanh nghiệp và giúp đỡ những người không có khả năng lao động.
Trong vòng bỏ phiếu tiếp theo, khoảng 200.000 đảng viên của đảng Bảo thủ trên khắp nước Anh sẽ bỏ phiếu để chọn ông Sunak hoặc bà Truss làm tân lãnh đạo đảng cầm quyền đồng thời sẽ là người giữ chức thủ tướng Anh. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 5-9.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của các đảng viên đảng Bảo thủ Anh do công ty thăm dò dư luận YouGov công bố ngày 19-7 cho thấy bà Truss giành được sự ủng hộ nhiều hơn với 54%, trong khi ông Sunak chỉ được 37%.
Bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, bao gồm chi phí sinh hoạt gia tăng, tỉ lệ lạm phát cao ở mức 11% và sự suy giảm niềm tin của người dân vào đảng cầm quyền.