Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) có quy mô 1.000 giường điều trị đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng được đưa vào hoạt động hôm 14-7. Hiện bệnh viện đang hiện điều trị cho 260 bệnh nhân mắc COVID-19.
Đánh chặn từ xa
Theo TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kiêm giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, trong tuần này bệnh viện dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 với 460 giường điều trị. Trong tuần tới, bệnh biện sẽ cố gắng triển khai 700 giường và tiếp tục phấn đấu đến khoảng 1.000 giường bệnh. Bác sĩ Thức cho hay, hiện số nhân lực công tác tại bệnh viện là 651 người.
Sau một vài ngày hoạt động, đến thời điểm hiện tại đã có 106 bệnh nhân chuyển loại từ mức độ nặng trở về mức độ vừa và nhẹ. Các bệnh nhân này khi được chuyển đến bệnh viện này đều là nằm ở mức độ nặng và nguy kịch.
Hiện đã có 67 bệnh nhân không cần thở ôxy, 39 bệnh nhân chỉ còn thở ôxy gọng mũi. Các bệnh nhân này đã có thể chuyển về các bệnh viện tuyến trước để tiếp tục điều trị.
“Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực, bộ máy của chúng ta đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả” - bác sĩ Thức nói.
TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kiêm giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Bác sĩ Thức cho rằng việc quan trọng cần làm là ngăn chặn không cho bệnh nhân chuyển nặng và đó là mục tiêu quan trọng nhất. Theo ông khi bệnh nhân trở nặng đòi hỏi năng lực tăng rất cao, chăm sóc cao, khi thở máy rồi việc chăm sóc và điều trị kéo rất dài.
“Chúng ta không thể thụ động ngồi chờ bệnh nhân thở máy hoặc trở nặng chuyển đến đây. Mục tiêu chính đánh chặn từ xa, không cho bệnh nhân trở nặng” - bác sĩ Thức chia sẻ.
Theo bác sĩ Thức, hiện bệnh viện đã có quy chế nhận bệnh. Khi có quy chế, các bệnh nhân cấp độ hai sẽ được các bác sĩ hồi sức đánh giá để phát hiện sớm bệnh nhân nào có dấu hiệu trở nặng và hội chuẩn online.
“Khi hội chuẩn xong xác định trường hợp bệnh nhân rất có khả năng chuyển nặng thì chuyển về BV hồi sức COVID-19 cho thở oxy dòng cao chủ động”- bác sĩ Thức cho biết.
Không có giai đoạn “rođa”
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kiêm phó Giám đốc bệnh viện 115, hiện Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã làm được khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là chuyển loại bệnh nhân từ nặng trở về mức độ vừa và nhẹ.
“Đây là nỗ lực vô cùng lớn của tập thể và chỉ trong mấy ngày thôi đã hoạt động trơn tru. Bệnh viện mới đưa vào vận hành nhưng đã hoạt động với cường độ cao nhất là điều chưa có tiền lệ. Toàn bộ hệ thống ôxy, hệ thống khí nén đều hoạt động ở mức độ cao mà không có giai đoạn “rođa””- bác sĩ Huy chia sẻ.
Với số lượng 260 giường bệnh và sẽ tăng lên 460 giường trong tuần này, cùng hơn 651 nhân lực từ các bệnh viện lớn chuyển về, bệnh viện Hồi sức COVID-19 đang hoạt động có sự tiếp ứng của TP, nguồn trang thiết bị, dụng cụ vật tư từ kho dự trữ của Bộ Y tế và lực lượng phối hợp ba bệnh viện lớn gồm BV Chợ Rẫy, BV 115 và BV Gia Định.
Còn theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, các cộng sự đã bắt tay làm ngay trên cơ sở hạ tầng rất đầy đủ của cơ sở điều trị ung bướu này. Chính vì vậy, khi nhận sớm những trường bệnh thì mới giải quyết được sớm, chủ động chuyển độ bệnh.
Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Trần Thanh Linh.
“Chỉ tiêu là 100 giường hồi sức nguy kịch nhưng hiện nay bệnh viện đang hoạt động với hơn 100 giường hồi sức nguy kịch và phải kê thêm giường. Sau khi được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hy vọng số bệnh nhân nguy kịch đó sẽ có tín hiệu cải thiện” - bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết.
Những chuyến cấp cứu trong đêm Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, kể lại, có nhiều trường hợp tại các bệnh viện tuyến trên nhập viện trong tình trạng nặng được đội ngũ bệnh viện Hồi sức COVID-19 cấp cứu và chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị. Chẳng hạn tối 19-7, trường hợp một bệnh nhân nam 28 tuổi nhập viện trong tình trạng rất nặng, tổn thương phổi, thở oxy chức năng cao mà không kiểm soát được.
“Dù nửa đêm, lực lượng kết hợp nhân viên ba bệnh viện di chuyển đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương thực hiện ECMO. Đến 2, 3 giờ sáng mới đưa bệnh nhân về đến hôm nay đã ổn định hơn. Nếu không thực hiện trong thời điểm đó thì bệnh nhân chắc chắn không qua khỏi”- bác sĩ Linh kể lại. Một trường hợp khác, cũng trong đêm 19-7, một ca bệnh sản phụ 30 tuổi mang song thai 25 tuần tuổi cũng được các bác sĩ di chuyển sang bệnh viện Trưng Vương để thực hiện ECMO cứu bệnh nhân. Đến sáng nay, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Bác sĩ Linh nhìn nhận: “Mặc dù các ca này vẫn còn phụ thuộc ECMO nhưng tình trạng đã khá hơn. Một số trường hợp đã cho thở máy, rút nội khí quản và chuyển sang thở oxy dòng cao. Đó là các trường hợp bắt đầu chuyển độ và sẽ chuyển sang các đơn vị khác”. |